Phát hiện phần mềm không phép trị giá 6,5 tỷ đồng

Trong đợt thanh tra mới nhất tại 6 doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền trên toàn quốc, đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTTDL), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 (Bộ Công an) đã phát hiện số lượng phần mềm bất hợp pháp lên tới 6,5 tỷ đồng, theo ước tính của chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp bị thanh tra lần này gồm Công ty TNHH Oriental Fastech Manufacturing, Công ty TNHH quốc tế Di Hưng, Công ty TNHH thiết kế Dương Bản (đều có trụ sở tại tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH Tỷ Hùng, Công ty TNHH Dược Phẩm AAA (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH May mặc Alliance One (có trụ sở tại tỉnh Bến Tre). Toàn bộ 6 doanh nghiệp này đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gồm các doanh nghiệp đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Sỹ và Thái Lan.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng sử dụng nhiều phần mềm bất hợp pháp (ảnh: Đoàn thanh tra cung cấp).

Tại 6 doanh nghiệp này, lực lượng thanh tra liên ngành đã kiểm tra 247 máy tính mà các doanh nghiệp này đang sử dụng cho mục đích vận hành kinh doanh, hơn 500 phần mềm bất hợp pháp đã được tìm thấy. Trong số những phần mềm không bản quyền bị phát hiện, bên cạnh các phần mềm văn phòng phổ biến của Lạc Việt, Microsoft, còn có các phần mềm chuyên dụng cho thiết kế của Adobe, Autodesk.

Đại diện của 6 doanh nghiệp đã ký vào biên bản thanh tra, thừa nhận vi phạm và hứa gỡ bỏ tất cả các phần mềm không phép cũng như sẽ hợp thức hóa toàn bộ các phần mềm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thực thi hiệu quả quyền SHTT, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính đang là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về SHTT, đặc biệt là các cam kết về SHTT trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực.

Ông Trần Văn Minh, Phó Chánh thanh tra, Bộ VHTTDL cho biết: “Trước những yêu cầu và cam kết quốc tế, Chính phủ đã không ngừng xây dựng một hệ thống pháp luật đủ chặt chẽ để bảo vệ quyền SHTT, cũng như ngày càng tăng cường năng lực của lực lượng thực thi để bảo hộ và bảo vệ hiệu quả quyền SHTT. Đặc biệt, với việc tham gia TPP - một thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, Chính phủ đang hướng tới các chuẩn mực về bảo hộ SHTT của khu vực và thế giới để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong khu vực TPP”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có phần mềm máy tính. Những trường hợp vi phạm qui mô lớn, chúng tôi sẽ xem xét để xử lý hình sự, đặc biệt là những vi phạm trong lĩnh vực phần mềm máy tính”, ông Trần Văn Minh khẳng định thêm.

Vào ngày 4/2/2016, Việt Nam đã ký kết văn kiện trở thành thành viên chính thức của Hiệp định TPP bao gồm 12 nước thành viên. Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, trong đó là thực thi quyền SHTT được đặc biệt chú trọng, trong đó có có nội dung: kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. Có thể nói TPP đề ra những tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ SHTT. Những tiêu chuẩn này còn chặt chẽ hơn cả quy định của WTO, mà nếu không tuân thủ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả kết hợp với các hoạt động thực thi quyết liệt để bảo hộ quyền SHTT trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là phần mềm máy tính. Những nỗ lực này đã được chứng minh khi Việt Nam đạt được con số giảm 3% ấn tượng về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, từ 81% năm 2013 xuống còn 78% năm 2016.

Ông Tarun Sawney, Giám đốc cao cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, BSA | Liên minh Phần mềm chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao tính hiệu quả và quyết liệt của hoạt động thực thi quyền SHTT của Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT gồm 9 bộ, ngành (Chương trình 168). Chúng tôi tin tưởng rằng với những nỗ lực và chiến lược đúng đắn, Việt Nam sẽ thực hiện được những cam kết quốc tế về SHTT. BSA sẽ không ngừng hỗ trợ mọi hoạt động của Bộ VHTTDL và Phòng Tội phạm công nghệ cao cùng thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Tôi cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi và các đại diện chủ thể quyền sẽ giúp mục tiêu bảo hộ và thực thi quyền SHTT hiệu quả hơn, đạt được các mục tiêu đặt ra”.

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ VHTTDL, từ năm 2006 - 2015, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành thanh tra đột xuất 541 doanh nghiệp trên cả nước và số máy tính được kiểm tra: 27.602 máy, phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu. Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 8.613.000.000 đồng (tám tỷ sáu trăm mười ba triệu đồng), chuyển 1 hồ sơ sang cơ quan điều tra. 41 doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.


PV
6 doanh nghiệp "dùng chùa" phần mềm trị giá 6,5 tỷ đồng
6 doanh nghiệp "dùng chùa" phần mềm trị giá 6,5 tỷ đồng

Trong đợt thanh tra mới nhất tại 6 doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền trên toàn quốc, đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTTDL), Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao C50 (Bộ Công An) đã phát hiện số lượng phần mềm bất hợp pháp lên tới 6,5 tỷ đồng, theo ước tính của chủ sở hữu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN