Phát hiện hàng loạt vi phạm tại Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế thành phố Hà Nội.

Theo Thanh tra Chính phủ, bên cạnh một số kết quả đạt được, cả 3 cơ quan trên đều tồn tại không ít những thiếu sót, khuyết điểm trong các năm từ 2012 – 2014. Trong đó là điển hình là những khuyết điểm, vi phạm trong xây dựng kế hoạch, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch, thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra.

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại Bộ Tài chính.

Vi phạm về hóa đơn xảy ra trên diện rộng

Cụ thể, ngành thuế xây dựng kế hoạch thanh tra nhưng chưa phù hợp, không đúng trọng tâm trọng điểm. Việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch thanh tra của Tổng cục Thuế và cục thuế các địa phương cũng không có căn cứ, thiếu cơ sở. Có một số doanh nghiệp đưa vào kế hoạch thanh tra nhiều năm nhưng không thực hiện hoặc điều chỉnh nhiều lần nên đến nay vẫn chưa được thanh tra.

Một số cuộc thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế Hà Nội thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật, cùng một hành vi vi phạm nhưng lại kiến nghị xử lý khác nhau tạo nên sự thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp…

Trong khi đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh (thuộc Tổng cục Thuế) đã thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm của 4 công ty dầu khí dẫn đến khi có quyết định xử lý thì đã hết thời hiệu xử lý, gây khiếu kiện kéo dài và nhà nước không thể truy thu thuế do hết hiệu lực xử lý.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã chậm trễ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Cục thuế trong công tác quản lý nợ thuế; hoàn thuế dẫn đến nợ đọng thuế ngày càng tăng; một số Cục thuế có vi phạm trong quản lý thuế. Chính những khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã dẫn đến nợ thuế toàn ngành ngày càng tăng.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2012 nợ thuế toàn ngành là hơn 55.000 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2013 đã lên tới trên 61.000 tỷ đồng và đến 30/6/2014 tăng vọt lên trên 68.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính và ngành thuế cũng đã không theo dõi được nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp. Do đó, chỉ tính riêng số tiền tính phạt chậm nộp tiền sử dụng đất của ngành thuế, các cục thuế tính thiếu tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất với số tiền là 669 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có không ít khuyết điểm, vi phạm tại một số địa phương, doanh nghiệp liên quan đến thu nộp ngân sách. Trong đó nổi lên là việc Bộ Tài chính đã không hướng dẫn, chỉ đạo toàn ngành thuế thực hiện nghiêm, đầy đủ việc xử lý doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến tình trạng vi phạm xảy ra trên diện rộng và phức tạp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng đất của nhà nước từ lâu nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất (tính đến ngày 31/12/2014 là 7,166 tỷ đồng).

Đặc biệt là dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh đến thời điểm thanh tra dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng từ tháng 3/2012, trong quá trình xây dựng có nhiều vi phạm.

Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc

Với những thiếu sót, vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý, tiến hành kiểm điểm các đơn vị, cá nhân có vi phạm trong việc quản lý, chỉ đạo điều hành đối với các cơ quan thuộc Bộ, nhất là cơ quan thuế đã để xảy ra các tồn tại nêu trên. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, hủy bỏ các văn bản đã ban hành trái quy định, khẩn trương ban hành, sửa đổi các văn bản phù hợp với thực tế đồng thời chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội tiến hành kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai trên địa bàn, dẫn đến nhiều sai phạm của các chủ đầu tư.

Đối với xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế truy thu của các doanh nghiệp, cá nhân có vi phạm về thuế với số tiền là 792 tỷ đồng; rà soát, truy thu tiền chậm nộp và xử phạt 12 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc. Thứ nhất là vụ việc 21 doanh nghiệp sử dụng hoá đơn bất hợp pháp (20 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển năng lượng Apa Green) có tổng giá trị gần 823 tỷ đồng để kê khai thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế có dấu hiệu của hành vi trốn thuế được quy định tại Điều 161 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai là vụ việc của Dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội; đối với các bên tham gia dự án đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước (Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…) trong quá trình thực hiện dự án. "Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện hết nghĩa vụ tài chính với nhà nước, có dấu hiệu thất thoát tiền ngân sách nhà nước", kết luận chỉ rõ.

Thu Phương
Hạ bậc lương cán bộ Bộ Công Thương đi lễ trong giờ hành chính
Hạ bậc lương cán bộ Bộ Công Thương đi lễ trong giờ hành chính

Hình thức kỷ luật hạ bậc lương được Hội đồng kỉ luật Bộ Công Thương đưa ra đối với ông Bùi Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại do có hành vi đi lễ chùa trong giờ hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN