Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã để xảy ra hơn 26 ngàn vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR); nhiều nhất là ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Phú Yên... Trong số này có đến gần 3.000 vụ phá rừng trái phép làm thiệt hại khoảng 1.600 ha, bao gồm 380 ha rừng phòng hộ, 60 ha rừng đặc dụng và hơn 1.000 ha rừng sản xuất.
Nguyên nhân chính là do lâm tặc phá rừng bằng mọi cách và chủ yếu là "núp bóng" xúi giục bà con dân tộc xâm lấn rừng với hình thức "phát nương - làm rẫy" để mưu lợi. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là do việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương miền núi chưa gắn liền với quy hoạch. Điển hình như việc phát triển hệ thống thủy điện trên các dòng sông, con suối một cách ồ ạt khiến một diện tích rừng khá lớn bị mất. Theo đó, hàng trăm, hàng ngàn ha rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị nhấn chìm trong các lòng hồ; đó là chưa nói đến các chủ dự án lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo trong công tác QLBV rừng để xâm nhập trái phép ở các vùng rừng ngoài quy hoạch.
Việc chuyển đổi hơn 100.000 ha rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su ở vùng Tây Nguyên cũng tác động đến vốn rừng, do cách làm chưa đồng bộ và chưa có tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Những năm trước đây, nhiều chủ dự án còn ngang nhiên "san bằng" không ít khu rừng không thuộc diện chuyển đổi để mưu lợi riêng.
Văn Thông