Trọng tâm chuyến thăm châu Á của hai bộ trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin có chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào ngày 15/3 và địa điểm là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ảnh: newschainonline

Kênh Al Jazeera đánh giá chương trình nghị sự hàng đầu trong chuyến thăm của hai bộ trưởng Mỹ sẽ tập trung vào Trung Quốc và Triều Tiên.

Hai chính khách đặt chân đến thủ đô Tokyo trong ngày 15/3 để dự cuộc họp 2+2 với những người đồng cấp Nhật Bản. Dự kiến đến ngày 17/3, ông Blinken và Austin đến Seoul (Hàn Quốc). Sau đó, theo kế hoạch, Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp ông Dương Khiết Trì và người đồng cấp Vương Nghị tại Alaska (Mỹ).

Chuyến thăm Đông Á của ông Blinken và Austin diễn ra ở thời điểm có nhiều đột phá trong đối thoại về chia sẻ kinh phí binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Thỏa thuận chia sẻ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông Blinken và Austin khi họ muốn tìm kiếm hỗ trợ từ Tokyo và Seoul trong xử lý hai vấn đề liên quan Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Vấn đề Trung Quốc

Tờ Yomiuri (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin chính phủ vào ngày 14/3 nhận định rằng cuộc gặp giữa hai bộ trưởng Blinken, Austin và những người đồng cấp Nhật Bản sẽ có nội dung trực tiếp liên quan các động thái của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong khi Nhật Bản quan tâm trong ứng phó với Trung Quốc hơn Triều Tiên thì ưu tiên hàng đầu của Seoul là hạn chế đối đầu với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.

Hàn Quốc có khả năng sẽ không tham gia cuộc cạnh tranh giữa Mỹ-Trung Quốc hoặc trở thành thành viên mới của "bộ tứ kim cương" (còn gọi là QUAD). Bắc Kinh đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. 

Năm 2017, sau khi Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), Trung Quốc liền áp đặt trừng phạt đối với các lĩnh vực Hàn Quốc vốn ít nhiều phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc như du lịch, mỹ phẩm, giải trí…

Ông Lee Seong-hyon tại Viện Sejong (Hàn Quốc) phân tích: “Một khi gia nhập QUAD, bạn sẽ trở thành kẻ địch hạng A trong con mắt của Trung Quốc”

Vấn đề Triều Tiên

Chú thích ảnh
Một cuộc diễu binh của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Ông Daniel Bong tại Viện Yonsei về nghiên cứu Triều Tiên phân tích: “Hàn Quốc đóng vai trò chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Washington sẽ nhận được lợi thế nhiều hơn nếu tập trung vào việc Seoul duy trì chiến lược răn đe đáng tin cậy trước Bình Nhưỡng". Theo ông Bong, dựa trên phương pháp này, Mỹ có thể hướng tới việc hợp tác cùng Nhật Bản để đối trọng Trung Quốc và bắt tay cùng Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề Triều Tiên.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên không thử vũ khí hạt nhân nhưng các nhà phân tích cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không nên vì thế mà chủ quan. Tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra vào tháng 1, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Mỹ là kẻ thù quốc gia. Chủ tịch Kim Jong-un cho biết Triều Tiên sẽ mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Bà Jenny Town tại Trung tâm Stimson (Mỹ) đánh giá Triều Tiên đã giảm niềm tin vào viễn cảnh bản chất quan hệ Bình Nhưỡng-Washington có thể thay đổi kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội vào tháng 2/2019. Kết quả của hội nghị này là Mỹ và Triều Tiên không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Do vậy, theo bà Jenny Town, việc tái khởi động đàm phán với Triều Tiên sẽ phụ thuộc và Mỹ và Hàn Quốc.

Theo nhiều nhà phân tích, việc cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản còn hỗ trợ nhiều cho Mỹ liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Theo ông Daniel Bong, sự kiện Olympic tại Tokyo sắp tới là cơ hội để tái hởi động đàm phán hạt nhân vốn đang chững lại.

Ông Daniel Bong đánh giá, nếu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in “chìa cành ô liu” với chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga thì nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể nhận được sự ủng hộ của Tokyo dùng Olympic để làm nền tảng ngoại giao cấp cao giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Mặc dù Mỹ tìm cách đẩy mạnh quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng dư luận của hai quốc gia này vẫn có những quan điểm phản đối Mỹ.

Hiện có 55.000 binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản và 28.500 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc. Từ thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, việc thay đổi vị trí căn cứ Mỹ ở Okinawa đã vấp phải chỉ trích của người dân địa phương.

Ở Hàn Quốc, đã xuất hiện quan điểm phản đối tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Hàn Quốc với lập luận rằng sự kiện này cản đường cải thiện quan hệ Seoul- Bình Nhưỡng. Ông Cheong Wook-sik tại Peace Network (Hàn Quốc) nhận xét: “Tập trận, tăng cường liên minh, đẩy mạnh quy mô quân sự không thể tạo ra đàm phán và đối thoại trong tương lai gần”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Tranh biếm họa gây sốc về Nữ hoàng Anh và Công nương Meghan
Tranh biếm họa gây sốc về Nữ hoàng Anh và Công nương Meghan

Tạp chí trào phúng Pháp Charlie Hebdo đã gây sốc và khiến độc giả tức giận khi đăng tranh biếm họa vẽ Nữ hoàng Anh Elizabeth ghì đầu gối lên cổ Công nương Meghan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN