Sáu lý do Mỹ không nên can thiệp vào Libi

Hiện rất nhiều người trong giới chính trị, kể cả một số thành viên trong chính quyền Obama, đang gây sức ép đòi Tổng thống Obama can thiệp quân sự vào Libi.


Đa số đề nghị thiết lập một vùng cấm bay hoặc một khu vực cấm các phương tiện quân sự đi lại, hoặc cung cấp vũ khí và hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy. Họ cho rằng bằng cách can thiệp quân sự, Mỹ sẽ ngăn chặn được việc những người vô tội bị giết hại, đồng thời thể hiện được sự ủng hộ của nước Mỹ đối với tự do và an ninh.


Tuy nhiên, "Nhật báo phố Uôn" ra ngày 8/3 cho rằng có nhiều lý do để chính quyền Mỹ không nên can thiệp quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Đạn rốckét của lực lượng nổi dậy được phóng đi từ Sidra, cách thành phố Ras Lanuf 10km về phía tây ngày 10/3.


Thứ nhất,
phát biểu trước Quốc hội Mỹ tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã chỉ ra rằng bước đầu tiên để thiết lập vùng cấm bay là phải triệt tiêu hệ thống phòng không của Libi, hệ thống có thể đe dọa máy bay của Mỹ và đồng minh. Điều này đòi hỏi phải tấn công một số mục tiêu có chọn lọc. Nói cách khác, thiết lập vùng cấm bay là gây chiến tranh.

Thứ hai, hiện không có lý do để tin rằng việc thiết lập vùng cấm bay có giá trị quyết định. Ngược lại, có nhiều lý do để nói rằng biện pháp này không có tác dụng vì máy bay chiến đấu và trực thăng không phải là lợi thế quân sự của chính quyền Kadhafi. Chính quyền Kadhafi có thể đánh bại lực lượng nổi dậy chỉ bằng những lợi thế về binh lính và vũ khí hạng nhẹ trên mặt đất, không cần sử dụng không quân.

Thứ ba, việc áp đặt khu vực cấm đi lại của các phương tiện quân sự nhằm hạn chế khả năng sử dụng xe tăng và các phương tiện quân sự khác của chính quyền Kadhafi đòi hỏi phải sử dụng nhiều lực lượng quân sự hơn so với việc thiết lập vùng cấm bay. Tuy nhiên, nếu được thiết lập, các máy bay tuần tra của phương Tây cũng không thể ngăn chặn được sự di chuyển của mọi phương tiện quân sự của chính quyền Kadhafi. Để làm được điều đó, chỉ có cách là phải triển khai các nhân viên huấn luyện, cố vấn và lực lượng đặc biệt trên mặt đất.

Thứ tư, việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Libi cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng ngại. Ápganixtan trước vụ khủng bố 11/9 là một bài học. Mỹ đã cung cấp vũ khí cho các cá nhân và các nhóm để đánh bại chế độ do Liên Xô ủng hộ. Chính sách này đã có tác dụng trong việc cụ thể hóa mục tiêu trước mắt, nhưng trong những năm sau đó, chính những cá nhân và các nhóm này lại thực hiện các chương trình thù địch đối với các lợi ích của Mỹ.

Thứ năm, Kadhafi quả thật là một người cứng rắn, nhưng điều đó không có nghĩa là những người phản đối ông này là những người “dân chủ”. Thậm chí trong trường hợp những người nổi dậy đúng là dân chủ thực sự thì cũng chẳng có gì bảo đảm rằng việc giúp lật đổ chế độ Kadhafi sẽ dẫn đến việc những người dân chủ thực sự này lên nắm quyền. Ngược lại, việc loại bỏ Kadhafi và những người thân cận với ông ta có thể dẫn đến việc các nhân vật khác nhau, với sự ủng hộ của các bộ tộc khác nhau, lên nắm quyền lực hoặc lực lượng Hồi giáo cực đoan giành lợi thế. Trong bối cảnh đó, nhiều khu vực ở Libi sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ mới, tạo khoảng trống cho al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác lợi dụng.

Thứ sáu, có nhiều lý do không nên để Libi trở thành mối lo ngại chính của Mỹ ở khu vực. Libi không phải là quốc gia quan trọng nhất ở Trung Đông, cả về ảnh hưởng chính trị và tác động đối với thị trường dầu mỏ. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tập trung vào việc làm thế nào để giúp quá trình chuyển giao ở Ai Cập diễn ra êm thấm, để Arập Xêút tiếp tục ổn định. Việc can thiệp quân sự vào Libi cũng có nguy cơ làm cho quân đội Mỹ mất tập trung, nhất là trong bối cảnh lực lượng này đã phải trải rộng quá mức ở Irắc và Ápganixtan.

Đình Thư

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN