Liên đoàn các nước Arập (AL) đã công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) của lực lượng nổi dậy Libi. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) chỉ đồng ý thừa nhận hội đồng này khi ở Libi chấm dứt các hoạt động quân sự và một chính phủ mới - bao gồm cả hai bên chống đối và ủng hộ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi - được thành lập.
Tuần qua, các sứ quán Libi ở hơn 150 quốc gia đã hạ lá cờ màu xanh lục Jamahiriya và treo cờ của chính quyền mới. Tuy nhiên, chính quyền này chỉ nhận được sự công nhận của gần 50 quốc gia. Mới đây nhất có Baranh, Irắc, Marốc, Nigiêria và Xuđăng công nhận chính phủ mới ở Libi. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga cũng sẵn sàng công nhận những người nổi dậy là chính phủ hợp pháp của Libi, nhưng họ phải chứng minh có đủ khả năng thống nhất đất nước.
Tổng thống Medvedev khẳng định Nga quan tâm tới sự ra đi của nhà lãnh đạo Kadhafi, việc chấm dứt nổ súng ở Libi và bắt đầu đàm phán giữa các lực lượng chính trị nước này. Tổng thống Nga nói: “Thứ nhất, phải nghiêm chỉnh chấp hành hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc số 1970 và 1973. Hòa bình chỉ đến trên đất Libi khi các tài liệu này được nghiêm túc thực hiện. Thứ hai, chúng tôi mong muốn người Libi đạt được các thỏa thuận với nhau. Nếu lực lượng nổi dậy đủ sức mạnh tinh thần và năng lực đoàn kết đất nước trên nguyên tắc dân chủ mới, tất nhiên chúng tôi sẽ xem xét vấn đề thiết lập quan hệ phù hợp với họ. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Libi đang tồn tại song song hai chính quyền. Mặc dù quân nổi dậy thu được những thành công ở Tripôli, song nhà lãnh đạo Kadhafi và những người ủng hộ ông vẫn duy trì các ảnh hưởng và tiềm năng quân sự”.
Trong khi đó, Libi ngày càng chìm sâu hơn vào sự hỗn loạn và vô chính phủ. Yuri Zinin, chuyên gia Nga về phương Đông, khẳng định: “Phe đối lập không có khả năng lấp kín những khoảng trống chính trị. Trên thực tế, đất nước lâm vào tình trạng hỗn loạn. Tôi e rằng, đất nước sẽ lâm vào tình hình như ở Irắc. Những tổ chức đối lập Libi được hình thành với tinh thần du kích và chủ nghĩa khu vực, do đó nhiều nhà lãnh đạo NTC không thể ngồi cùng một bàn. Không phải ngẫu nhiên mà chủ tịch Hội đồng đã đe dọa sẽ từ chức nếu tình hình không sớm thay đổi. Điều này khiến chúng ta cảm thấy lo ngại khi nhìn vào tương lai của Libi. Theo những tính toán khác nhau, có 2.000 - 5.000 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc trả thù và máu vẫn tiếp tục chảy”.
Lúc này, cộng đồng quốc tế đã bắt đầu bàn thảo về việc tái thiết Libi sau 6 tháng chiến sự nhưng vẫn chưa tìm được một phương án cụ thể và chung nhất. Lãnh đạo NTC cho biết trước mắt, Libi cần sự “giúp đỡ khẩn cấp” để trả lương và tái thiết cũng như bảo đảm sự ổn định của Libi. Liên hợp quốc (LHQ) - theo đề xuất của Mỹ - đã quyết định “mở khóa” 1,5 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Libi để hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo cấp thiết. Italia cũng hứa chấm dứt phong tỏa hơn 350 triệu euro tài sản của Libi bị đóng băng tại các ngân hàng Italia. Tuy nhiên, Nam Phi không tán thành kế hoạch này của LHQ vì lo ngại rằng việc chuyển tiền cho NTC đồng nghĩa với việc chính thức công nhận nhóm này là đại diện cho Libi, điều Nam Phi và AU chưa đồng ý. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói sẽ công nhận NTC khi có “sự công nhận rộng rãi và rõ ràng của quốc tế”.
Theo ông Cynthia Dearin, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Arập của Ôxtrâylia, nước này cần nhanh chóng tiếp xúc với giới thương mại Libi nếu muốn tham gia chương trình tái thiết ở Libi. Ông Dearincho rằng trước mắt, Libi rất cần viện trợ nhân đạo và viện trợ tái thiết để tái vận hành các dịch vụ thiết yếu, xây dựng lại bệnh viện, đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng và những hạ tầng bị hư hại. Ông Dearin khẳng định: “Chẳng bao giờ là sớm để bắt đầu kiến tạo quan hệ với người dân Libi”, nhất là trong bối cảnh như Ôxtrâylia chưa có tầm nhìn dài hạn ở Libi như các nước Anh, Italia, Pháp và Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần những mối quan hệ lâu dài nếu chúng ta muốn thành công trong giao dịch làm ăn với Libi trong tương lai”.
TTK (Tổng hợp)