Những gợi ý nhỏ từ trận động đất lớn

Giống các cơn siêu địa chất khác từng diễn ra ở Inđônêxia năm 2004, Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 2008 và Haiti năm 2010, trận động đất ngày 11/3 vừa qua ở Nhật Bản không chỉ đi vào lịch sử của nước này, mà sẽ còn được cộng đồng quốc tế nhắc tới nhiều. Nhìn cảnh sóng thần quét phăng ruộng đồng, nhấn chìm nhiều thị trấn, lôi tuột nhiều ngôi nhà ra giữa đường cao tốc và tung xe hơi cùng tàu thuyền, máy bay lên không trung như những món đồ chơi, người ta mới thấy con người thật nhỏ nhoi trước thiên nhiên. Nhưng nếu cơn siêu địa chấn này xảy ra ở nơi khác, không phải Nhật Bản, thiệt hại có thể sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cách ẩn nấp khi xảy ra trận động đất.


Ngoài việc có một hệ thống cảnh báo thiên tai hiện đại, Cơ quan Khí tượng và truyền thông nước này còn phát triển một hệ thống giúp các cảnh báo khẩn cấp có thể xuất hiện trên màn hình ti vi ngay sau khi được phát đi. Thiên tai như địch họa, chỉ cần sớm một giây một khắc, tình thế có thể đã khác đi. Tạm bỏ qua yếu tố công nghệ vì không phải nước nào cũng có tiềm lực kinh tế và kĩ thuật hùng hậu như Nhật Bản, người ta sẽ thấy một trong những nhân tố quan trọng giúp Nhật Bản giảm thiểu được hậu quả của thiên tai là do ý thức phòng chống thiên tai của người dân. Bắt đầu từ năm 1960, Nhật Bản lấy ngày 1/9 hằng năm làm ngày phòng chống thiên tai.

Thông thường, sau thời khắc tưởng niệm những nạn nhân của trận đại động đất năm 1923, người Nhật Bản, gồm cả các quan chức hàng đầu của chính phủ, lại tham gia vào cuộc diễn tập di tản ứng phó với thiên tai. Xem các clip truyền đi trên trang chia sẻ video trực tuyến youtube.com, chúng ta thấy công dân Nhật Bản phản ứng rất nhanh khi có cảnh báo thiên tai, nhân viên công sở, học sinh đều chui tụt vào gầm bàn, người lớn che chở cho trẻ nhỏ, ai nhanh chân chạy được ra nơi trống vắng… Nhờ có ý thức tự bảo vệ mình, trợ giúp lẫn nhau và nắm chắc các địa điểm di tản gần nhất, nên người Nhật Bản đã giảm thiểu được hậu quả thiên tai, đặc biệt là về số nạn nhân thiệt mạng. Theo truyền thông Nhật Bản, những người ban đầu được báo cáo là mất tích sau này phần lớn được tìm thấy trong các cơ sở trú tạm.

Từ trường hợp Nhật Bản, việc xây dựng, nâng cao ý thức và năng lực phòng chống thiên tai, trú tránh khi thiên tai ập tới của người dân có vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của thiên tai. Nhưng tất cả những điều này không phải bỗng dưng mà có. Theo nhiều chuyên gia, việc phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai cần được tiến hành cả ở nhà trường lẫn nơi công sở và khu dân cư, trong đó phải chú ý phát huy đầy đủ ưu thế của truyền thông trong việc giáo dục, tuyên truyền tri thức liên quan và tập trung riết róng ở những khu vực có nguy cơ cao như vùng duyên hải. Bởi với nhiều nước, khu vực duyên hải có nhiều lợi thế phát triển nên thường tập trung đông dân cư, nhà máy, xí nghiệp. Nhưng khu vực duyên hải cũng là nơi phải đối mặt với nguy cơ cao về tai họa đến từ đại dương như bão nhiệt đới, sóng thần…

Do đó, bên cạnh việc xây dựng, nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai kết hợp giữa công nghệ cao và truyền thống (quan sát các hiện tượng dị thường như trước khi xảy ra động đất ở Tứ Xuyên, cóc nhái ở nhiều nơi tràn ra đầy đường), cần thiết phải đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế điều phối ứng phó thảm họa liên ngành để có thể huy động được tối đa sức mạnh của cả hệ thống trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời, cũng phải đưa ra một loạt phương án xử lý các vấn đề nảy sinh từ thiên tai, đặc biệt là đối với sóng thần, bao gồm việc sơ tán người dân, đóng cửa cơ sở hạ tầng, cứu hộ cứu nạn…

Một yếu tố khác cũng rất được quan tâm chú ý, thậm chí là đang gây quan ngại sau cơn siêu địa chấn ở Nhật Bản là vấn đề an toàn hạt nhân. Sau thảm họa Chernobyl ở Liên Xô cũ, thế giới từng phải suy nghĩ lại về trào lưu sử dụng hạt nhân tạo năng lượng đang thịnh hành. Không ai phủ nhận rằng trong điều kiện an toàn, điện hạt nhân là nguồn năng lượng vừa rẻ vừa sạch đối với môi trường.

Kiểm tra mức độ phơi nhiễm phóng xạ cho các nhân viên cứu hỏa tại thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima(Nhật Bản)ngày 13/3.


Tuy nhiên, việc động đất khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở Nhật Bản rơi vào tình trạng rò rỉ hạt nhân và chất bẩn phóng xạ có nguy cơ theo gió tự nhiên lan ra khắp Thái Bình Dương, một lần nữa người ta sẽ buộc phải xem xét nhiều hơn tới yếu tố an toàn hạt nhân. Sau trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc Trương Lực Quân cho biết, dù không thay đổi quyết tâm phát triển điện hạt nhân, nhưng Trung Quốc sẽ có những điều chỉnh thích đáng đối với chiến lược và quy hoạch phát triển điện hạt nhân của mình.

Theo hãng Thông tấn Trung Tân (CNS) của Trung Quốc, đối với các nhà máy điện hạt nhân thuộc Tập đoàn Điện hạt nhân Quảng Đông đã đưa vào vận hành như Vịnh Đại Á, Lãnh Áo ở Thâm Quyến hay các nhà máy điện hạt nhân đang xây dựng như Hồng Duyên Hà, Ninh Đức ở Liêu Ninh, Thái Sơn ở Quảng Đông… khi chọn địa điểm và trong giai đoạn thiết kế đều tính toán đầy đủ tới nhân tố động đất và các tai họa thiên nhiên khác, đa phần chọn ở khu vực duyên hải có kết cấu địa chất ổn định.

Trong quá trình thi công xây dựng, nước này cũng áp dụng các biện pháp hữu hiệu phòng chống động đất mạnh, thực hiện đầy đủ nguyên tắc phòng ngừa theo chiều sâu. Báo cáo phân tích an toàn của các nhà máy điện hạt nhân đều được Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia thẩm tra nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân thông thường cũng được đặt ở nơi cao hơn mực nước biển gần đó, cộng thêm sự bảo vệ của các đê chắn sóng tạo bởi các khối bê tông nặng từ 14 - 40 tấn và việc chất phóng xạ và môi trường được cách ly bởi ba tầng bảo vệ kiên cố, nên có thể chống lại một cách hữu hiệu những tai họa thiên nhiên như sóng thần, sóng lớn do bão mạnh gây ra…

Hà Ngọc

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN