Nhiệm vụ bất khả thi của tân thủ tướng Italia

Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) của tạp chí Nhà kinh tế cho rằng, việc ông Silvio Berlusconi ra đi và ông Mario Monti chính thức trở thành thủ tướng Italia có thể giúp cả tình hình chính trị và thị trường trái phiếu của nước này tạm thời ổn định. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mà Italia nói riêng và châu Âu nói chung đang phải đối mặt rất khó giải quyết.

Tân Thủ tướng Mario Monti phát biểu trong cuộc họp báo ở Rome sau khi được bổ nhiệm. THX-TTXVN


Theo lý thuyết, nội các mới của Italia có nhiệm vụ kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, đồng thời phải thực hiện các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách đầy khó khăn và những cải cách về cơ cấu kinh tế. Với việc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có nguy cơ tái suy thoái, cơ chế cứu trợ của khu vực vẫn lộn xộn và nhu cầu tài chính của Italia trong năm 2012 là rất lớn, cơ hội để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên là rất ít.

Ông Berlusconi đã chỉ đồng ý từ chức sau khi quốc hội Italia thông qua một gói các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đầy khắc khổ. Những đề xuất này bao gồm tự do hóa một số dịch vụ công và dịch vụ chuyên môn của địa phương, bán một số tài sản của nhà nước và các dự án cơ cở hạ tầng mới. Thủ tướng Monti và nội các mới sẽ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp trên.

Tuy nhiên, có một thực tế là các thị trường trái phiếu và các chính phủ các nước Eurozone đang kỳ vọng rằng ông Monti sẽ nhanh chóng đưa ra một chương trình cải các mạnh mẽ hơn so với chương trình vừa phải và thiếu tính cụ thể của ông Berlusconi. Để có thể đem lại sự ổn định, dù chỉ tạm thời, cho các thị trường tài chính, Italia cần thuyết phục các nhà đầu tư đang hoài nghi về ba lĩnh vực cụ thể: Các biện pháp tin cậy có thể kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn; các biện pháp giảm thâm hụt có tính khả thi để cân bằng được ngân sách vào năm 2013; xác định rõ những cải cách trung hạn để giải quyết được tình trạng đình trệ lâu nay của nền kinh tế Italia chỉ tăng trưởng trung bình 0,75%/năm trong 15 năm qua.

Đây là một thách thức không nhỏ bởi trong cả ba lĩnh vực này đều có những trở ngại đáng kể. Mức độ tin cậy của bất cứ một chương trình toàn diện nào đều phụ thuộc vào khả năng sẵn sàng hỗ trợ bằng tiền mặt và việc giải tỏa những lo ngại của các nhà đầu tư đối với nhu cầu tái cấp vốn rất lớn của chính phủ Italia trong những năm tới, chỉ riêng năm 2012, Italia cần trên 300 tỷ euro để trả các khoản nợ công đến hạn. Hiện tại, Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) vẫn còn lộn xộn và nhiệm vụ pháp lý của ECB không cho phép ngân hàng này đảm nhận trách nhiệm đầy đủ là người cho vay cuối cùng, chưa rõ là nguồn tiền này sẽ từ đâu ra.

Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới đã phát hiện ra sự khác biệt lớn giữa những cải cách được công bố với việc thực hiện các cải cách này trên thực tế, nhất là khi các nhóm cử tri lớn sẽ bị ảnh hưởng và khi nền kinh tế đang có nguy cơ bước vào suy thoái kép nghiêm trọng. Do sự kết hợp của các yếu tố như việc khắc khổ về tài chính lớn hơn, lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng suy giảm và nhu cầu bên ngoài yếu đi, dự báo là từ sau quý IV này, nền kinh tế Italia dự báo sẽ suy giảm trong nhiều quý.

Một nguy cơ nữa là tình hình kinh tế xấu đi sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và dẫn đến một chu kỳ quen thuộc đó là các “chủ nợ” sẽ yêu cầu Italia thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ hơn nhằm đạt được các mục tiêu về tài chính đã được đưa ra trước đó. Do sự bất bình của dân chúng tăng lên, khả năng thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ trở nên bị hạn chế. Đặc biệt là tầng lớp thanh niên ở Italia đang ngày càng chán nản với việc các nhà hoạch định chính sách thất bại trong việc giải quyết vấn đề thất nghiệp gia tăng trong khi lương lại giảm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Italia là gần 30%, một trong những nước cao nhất châu Âu và cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung.

Do đó, có thể nói việc ông Berlusconi ra đi có thể giúp loại bỏ một gánh nặng đang đè lên nền kinh tế Italia, nhưng nhiều vấn đề cơ bản khác vẫn còn tồn tại. Với khoản nợ 1.900 tỷ euro trong bối cảnh các thị trường ngày càng chán ghét rủi ro và chưa có một cơ chế cứu trợ rõ ràng nào, Italia không thể hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ đơn giản biết mất thông qua sự thay đổi thủ tướng. Các cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào đầu năm 2013 và hy vọng rằng ông Monti có thể an ủi các thị trường cho đến lúc đó. Nhưng dường như đó là một nhiệm vụ bất khả thi.

Đình Thư (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN