Theo tờ "Đông phương Nhật báo" (Hồng Công) số ra ngày 11/5, năm 2010, cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ ở Hy Lạp. Sau đó, do nhận được 110 tỷ euro tiền cứu trợ từ Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thành lập vội vàng với số tiền lên tới 750 tỷ euro, nước này đã không bị phá sản. Một năm trôi qua, tình hình Hy Lạp xem ra không khá hơn. Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s vẫn quyết định hạ 2 bậc xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp, từ BB- xuống B. Nguyên nhân không ngoài việc rủi ro vi phạm khế ước vay nợ của Hy Lạp tăng lên. Trong số các nước PIIGS (gồm Bồ Đào Nha, Italia, Ailen, Hy Lạp và Tây Ban Nha), ngoài Hy Lạp, Ailen cũng đã phải nhận cứu trợ, còn Bồ Đào Nha đang đàm phán về phương án cứu trợ.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu một lần nữa bùng lên mạnh mẽ và định mệnh dường như đã sắp sẵn, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Tại sao vậy? Đó là do 750 tỷ euro trong EFSF chỉ là để bảo lãnh nợ chứ không được dùng để viện trợ không hoàn lại hay trả nợ thay. Vì thế, vấn đề nợ ở các nước nhận được cứu trợ từ EFSF chỉ tạm thời lắng xuống, tạo điều kiện cho các nước nhận được cứu trợ từ EFSF có thời gian bàn thảo về vấn đề giảm chi tiêu lâu dài, trong tương lai có thể đưa ra phương án giảm thâm hụt ngân sách khiến người ta tin tưởng. Khi đó, các nước này mới được trở lại thị trường vốn và tiến hành trả nợ. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại đi ngược với mong muốn. Ví dụ như trường hợp của Hy Lạp, một năm đã trôi qua, thời hạn phải trả nợ tới gần, nếu nước này không thành công trong việc vay tiền, sẽ buộc phải cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm cả việc kéo dài thời gian trả nợ. Nỗi lo Hy Lạp vi phạm khế ước vay nợ vì thế lan nhanh.
Theo thống kê của IMF, tổng nợ của chính phủ Hy Lạp hiện nay là 320 tỷ euro. Con số này đối với Ailen và Bồ Đào Nha đều là 150 tỷ euro. Áp lực trả nợ đáo hạn đối với những nước này quả là không nhỏ. Ngoài ra, theo ước tính của phía ngân hàng, khả năng Hy Lạp sẽ vi phạm khế ước vay nợ hoặc cơ cấu lại các khoản nợ trong 2 năm tới đã lên đến 46%. Tỷ lệ này đối với Ailen và Bồ Đào Nha lần lượt là 24% và 22%.
Hiện nay có hai lựa chọn được đặt ra, một là vi phạm khế ước vay nợ, hai là tăng quy mô cứu trợ. Nếu Hy Lạp thực sự lựa chọn giải pháp vi phạm khế ước vay nợ, không những nước này sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường mà chắc chắn sẽ làm liên lụy tới Ailen và sẽ khiến phương án cứu trợ mà Bồ Đào Nha đang đàm phán trở thành tan vỡ. Khi cuộc khủng hoảng nợ tiếp tục lan tràn, ngay cả Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong EU luôn khẳng định rằng họ không gặp vấn đề về tài chính, cũng khó tránh khỏi khó khăn. Ở khía cạnh khác, các ngân hàng thương mại vốn nắm giữ một lượng lớn nợ của các nước PIIGS, thậm chí là cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không có cách nào để tránh khỏi tình trạng nợ xấu tăng mạnh.
Do vậy, không thể xem nhẹ hiệu ứng của “chiêu bài” vi phạm khế ước vay nợ và đây rõ ràng không phải là lựa chọn tốt nhất.
Tuy nhiên, nếu tăng quy mô cứu trợ, EU phải làm như thế nào? Về mặt lý thuyết, EU có thể tăng quy mô cứu trợ. Trên thực tế, mới đây các quan chức tài chính châu Âu cũng tiến hành thảo luận việc sửa đổi phương án cứu trợ Hy Lạp, nhất trí rằng cần phải cung cấp thêm tiền cứu trợ cho nước này. Tuy nhiên, một số mâu thuẫn trong nội bộ EU khiến việc này khó thực hiện. Trước tiên, xuất phát từ tình hình chính trị trong nước và để lôi kéo cử tri, một số nước thành viên EU đã không tích cực, thậm chí là phản đối việc tăng quy mô cứu trợ. Kế đó, theo cơ chế vận hành của EFSF, một khi quy mô cứu trợ tăng lên, các nước thành viên sẽ phải đóng góp tiền theo tỷ lệ, nhưng không phải nước nào cũng có thể làm điều đó dễ dàng. Đối với Đức, một nước có nền kinh tế hùng mạnh, việc đóng góp tiền đương nhiên không phải là vấn đề, nhưng với Tây Ban Nha và Italia, hai nước thuộc nhóm PIIGS, từ lâu đã nợ chồng chất, việc đóng góp thêm tiền sẽ làm nặng thêm gánh nợ trên lưng.
Từ những gì nêu trên, tờ báo kết luận, cả hai lựa chọn đều hết sức khó khăn và việc nói rằng cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tiếp tục lây lan, đi vào “cửa tử” không phải là sự khoa trương.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)