Giới chuyên gia: Chi tiêu cho việc chống khủng bố chưa hiệu quả

Theo Hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC), khủng bố luôn là vấn đề nhức nhối đối với các chính phủ. Tuy nhiên, việc chi tiêu chống khủng bố chưa thực sự phát huy tính hiệu quả. Phát biểu tại Hội thảo An ninh Quốc phòng Ôxtrâylia tại Canbơrơ mới đây, Giáo sư Mark Stewart thuộc Đại học Newcastle (Ôxtrâylia) nhận định, chính phủ các nước đã rất mạnh tay trong việc chi ngân sách để chống khủng bố cho dù nguy cơ bị khủng bố là tương đối thấp. Ông cũng đặt câu hỏi liệu có thể sử dụng đồng tiền bỏ ra một cách tốt hơn không?

Đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 11/9 tại Khu vực số 0 ở New York . AFP-TTXVN


Trả lời phỏng vấn ABC ngày 13/9, Giáo sư Mark Stewart cho biết sau sự kiện 11/9, Mỹ đã tăng hơn 1.000 tỷ USD cho an ninh quốc gia, chưa kể đến chi phí cho cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan. Như vậy, tổng chi phí chống khủng bố là 2.200 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với trước đây. Tại Ôxtrâylia, một số chuyên gia ước tính trong vòng 10 năm qua, quốc gia này đã chi khoảng 10-20 tỷ đôla Ôxtrâylia (AUD) để chống khủng bố.

Người dân các nước luôn kỳ vọng ngân sách chính phủ được chi tiêu một cách khôn ngoan và hiệu quả trong mọi lĩnh vực, song Giáo sư Steward cho rằng, chi phí dành cho chống khủng bố được đánh giá là chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Giả sử việc gia tăng ngân sách chống khủng bố ở Mỹ và Ôxtrâylia có thể làm giảm nguy cơ khủng bố khoảng 90%, vậy để nâng cao tính hiệu quả của chi phí bỏ ra, hàng năm, hai nước cần ngăn chặn khoảng 30 vụ bạo loạn tương tự cuộc tấn công ở Luân Đôn khiến 52 người thiệt mạng, với mức thiệt hại ước tính khoảng 5 tỷ USD. Như vậy, để có thể phát huy tính hiệu quả của một khoản chi trị giá 1.000 tỷ USD, các chính phủ phải ngăn chặn rất nhiều vụ tấn công khủng bố. Câu hỏi đặt ra là liệu mối đe dọa khủng bố có lớn như người ta thường nghĩ hay không?

Mặc dù tại Mỹ chưa xảy ra một vụ tấn công khủng bố lớn nào kể từ sự kiện 11/9/2001 và người ta có thể cho rằng việc chi tiêu cho khủng bố đã phát huy tác dụng, nhưng đây không phải là bằng chứng rõ ràng nhất chứng tỏ tính hiệu quả của các khoản chi ngân sách. Trên thực tế, nguy cơ một người dân Mỹ bị khủng bố giết hại hàng năm là 1/3,5 triệu người. Ở Ôxtrâylia, tỷ lệ này là 1/7 triệu người. Những con số này tương đối nhỏ và chỉ tương đương với tỷ lệ tử vong do bị sét đánh. Bên cạnh đó, nếu xem xét số âm mưu khủng bố đã bị phá vỡ ở Mỹ trong 10 năm qua thì tối đa sẽ có khoảng 200 người thiệt mạng hàng năm nếu các âm mưu đó thành công. Theo ông Steward, có một số hoạt động chống khủng bố đã phát huy tính hiệu quả thực sự. Một ví dụ điển hình là sau sự kiện 11/9, các hãng hàng không trên thế giới đã chi khoảng 40 triệu USD/năm, trong đó có việc nâng cấp cửa khoang lái với chi phí khoảng 50.000 USD/cánh cửa nhằm ngăn chặn việc tiếp cận buồng lái của không tặc và đề phòng các thảm họa tương tự ở Mỹ có thể xảy ra.

Như vậy, nếu chi 1.000 tỷ USD để cứu 100-200 người mỗi năm thì mức trung bình lên tới 50-100 triệu USD/người. Nếu khoản tiền này được đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc nâng cấp cơ sở y tế, các nơi trú ẩn bão, lũ thì số người được cứu sống sẽ còn cao hơn nhiều. Ngoài ra, số người tử vong do tai nạn giao thông trên đường bộ cao hơn rất nhiều so với các vụ tai nạn máy bay vì nguy cơ máy bay bị không tặc chiếm giữ là tương đối thấp, 1/20 triệu. Vấn đề đặt ra là các chính phủ còn muốn chi thêm bao nhiêu tiền để giảm nguy cơ này xuống thấp hơn nữa?

Ông Steward nhận định rằng yếu tố chính trị rõ ràng có ảnh hưởng lớn trong vấn đề chống khủng bố. Theo đó, thông qua việc mạnh tay chi tiêu trong lĩnh vực này, chính phủ các nước đều muốn thể hiện cho thế giới bên ngoài biết rằng họ rất quan tâm đến lợi ích và sự an nguy của người dân nước mình, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của người dân trong nước.

Ngọc Quang (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN