Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 năm nay chứng kiến sự bất bình sâu sắc của quốc tế trước hành vi trắng trợn của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, phát biểu tại phiên họp toàn thể Đối thoại Shangri-La ngày 31/5. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những hành xử ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đi kèm các hành động khiêu khích như đâm chìm tàu cá của Việt Nam, uy hiếp và dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam, đã trở thành tâm điểm Hội nghị.
Trung Quốc thách thức
Trong 3 ngày nhóm họp, hơn 400 đại biểu chính thức đến từ khoảng 30 nước và tổ chức quốc tế đã tham dự 5 phiên thảo luận chung về các chủ đề liên quan đến an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương: đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương; và đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á - Thái Bình Dương.
Một trong những chủ đề được nhiều diễn giả, học giả tham dự diễn đàn quan tâm nhất chính là những diễn biến mới đây về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông cũng như các hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông như cử máy bay chiến đấu bay sát một cách bất thường các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Hoa Đông hay để hai tàu tuần duyên tiến vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định đây là những hành động gây căng thẳng trong khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ trích mạnh mẽ thái độ ngạo mạn, coi thường luật pháp quốc tế và các nước láng giềng của Trung Quốc, khiến tình hình khu vực leo thang căng thẳng. Thủ tướng Abe đã nêu bật tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và ba nguyên tắc liên quan tới luật biển, đó là các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền và các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã mạnh mẽ cáo buộc Trung Quốc có những hành động làm khu vực Biển Đông thêm căng thẳng.
Theo giới quan sát, hiếm có hội nghị Shangri-La nào mà đoàn đại biểu Trung Quốc rơi vào thế bị động và tỏ ra đuối lý trước những lời chỉ trích và chất vấn trực diện của những người tham dự. Trưởng đoàn Trung Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung, đã không thể giải thích rõ ràng về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, không vì thế, Trung Quốc bớt phần hung hăng khi lu loa rằng các chỉ trích của đoàn Nhật Bản và Mỹ là “không thể chấp nhận được” và “hành động khiêu khích nhằm vào Trung Quốc”. Thái độ này của đoàn Trung Quốc đã phá hỏng bầu không khí hợp tác, đối thoại để giải quyết bất đồng của hội nghị.
Tư duy an ninh tập thể
Đặt trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, bên cạnh những mặt thuận lợi lớn, cơ hội lớn, cũng đã xuất hiện nhiều điểm nóng ở Bắc Phi, Trung Đông, Ukraine, ở khu vực châu Á - Thái Dình Dương là Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các cường quốc có chiến lược toàn cầu, chiến lược khu vực. Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra tại Biển Đông và biển Hoa Đông đặt ra nhu cầu thay đổi cơ cấu an ninh châu Á. Theo giới chức nước chủ nhà Singapore, các nước châu Á hiện thiếu vắng một cơ chế phòng ngừa chiến tranh tập thể, nói rộng hơn là một tư duy an ninh tập thể, ở cấp độ khu vực và châu lục.
Do đó, Đối thoại Shangri-La lần 13 được đánh giá rất quan trọng, đó là nơi để các nước bày tỏ, chia sẻ quan điểm, thông tin về tình hình, chính sách của mình, xây dựng lòng tin, tìm kiếm giải pháp hợp tác, nhất là hợp tác về lĩnh vực quốc phòng để duy trì hòa bình, ổn định, tránh đối đầu, giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác, hết sức tránh hiểu lầm, đối đầu để xây dựng môi trường chung hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội của các nước.
Trong kỷ nguyên của hội nhập khu vực và xu hướng toàn cầu hóa không thể đảo ngược, tình hình thực tế hiện nay đặt ra nhu cầu các nước cần thay đổi tư duy để đảm bảo an ninh khu vực. Đối diện với các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay, các nước phải có một cách tiếp cận mang tính tổng thể hơn và xây dựng được một cơ chế phối hợp chung dựa trên nguyên tắc đồng thuận, hòa bình và hợp tác. An ninh của mỗi quốc gia giờ đây không còn là vấn đề riêng của nước đó mà được đặt trong tổng hợp an ninh chung của khu vực. Hướng tiếp cận này phù hợp với thực tế các mối quan hệ chồng chéo giữa các nước trong một khu vực cũng như giữa các khu vực. Tình hình tại Biển Đông và Hoa Đông đang diễn biến căng thẳng và bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn tới hậu quả ngiêm trọng, đòi hỏi các bên liên quan phải có thiện chí, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây cũng là quan điểm chung toát lên tại Đối thoại Shangri-La lần này.
Việt Nam - thành viên có trách nhiệm
Tham dự cuộc đối thoại, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã có những đóng góp tích cực và thiết thực.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu với chủ đề “Quản lý căng thẳng chiến lược”, trong đó chia sẻ những nhận thức chung về vấn đề quản lý căng thẳng chiến lược. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết bằng biện pháp đối thoại, bằng biện pháp hòa bình, nhất là luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực.
Lập trường của Việt Nam được các nước chia sẻ, hoan nghênh, đồng tình, đó là phải tự kiềm chế, phải dùng luật pháp quốc tế, Luật Biển và DOC, chứ không được dùng vũ lực, xung đột, vì nếu xảy ra xung đột thì nó là thảm họa cho cả khu vực, ảnh đến giao thương, hoạt động hàng hải, hàng không, đến kinh tế chung của các nước, điều mà nhiều nước rất quan ngại.
Sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc với tham vọng bành trướng và bá quyền, đặc biệt ở Biển Đông và Hoa Đông, đã đặt ra những thách thức an ninh không nhỏ đối với thế giới. Đối thoại Shangri-La 2014 đã trở thành diễn đàn tập hợp tiếng nói phản đối mạnh mẽ của quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết của một cơ chế phòng ngừa chiến tranh tập thể, một tư duy an ninh tập thể nhằm đảm bảo ổn định, hòa bình và an toàn hàng hải tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
Phương Hồ