Tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học năm 1995, cô Hạnh được cử về công tác giảng dạy tại Trường Tiểu học Thanh Bình (huyện Chợ Gạo). Năm 2002, khi được biết Dự án Giáo dục hòa nhập ở Tiền Giang triển khai, cô Hạnh đã tình nguyện theo học lớp Cao đẳng Giáo dục hòa nhập và tham gia vào nhóm mạng lưới Giáo dục hòa nhập do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Sau đó, cô tham gia giảng dạy cho trẻ hòa nhập từ năm 2007 đến nay.
Cô Hạnh gắn bó với học sinh lớp 1 từ khi các em mới bước chân đến trường, lứa tuổi còn bỡ ngỡ, ngây thơ và cần nhiều thời gian rèn giũa nền nếp. Năm học nào lớp của cô Hạnh làm giáo viên chủ nhiệm cũng đón một số học trò đặc biệt. Các em mắc chứng tự kỷ vào lớp học hòa nhập. Để dạy được học sinh bình thường bước vào lớp 1 quen với cách học đã khó, dạy được trẻ tự kỷ hòa nhập lại càng khó hơn. Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu học trò, cô Hạnh đã khiến không ít phụ huynh có con tự kỷ vỡ òa trong hạnh phúc khi con biết đánh vần, biết đọc, biết viết, biết gọi bố mẹ.
Cô Hạnh cho biết: “Khó khăn nhất khi dạy trẻ tự kỷ là các em đều không hợp tác, không trả lời, đôi khi các em còn la hét, cào cấu người xung quanh, không tham gia các hoạt động vui chơi tại lớp. Có em còn không biết đang học lớp mấy và cô giáo mình tên là gì. Đặc biệt có em học sinh không có khả năng phục vụ bản thân từ việc thay mặc quần áo cho đến vệ sinh cá nhân”.
Dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Tuy nhiên, theo cô Hạnh chia sẻ, dù là phương pháp nào thì việc đầu tiên cần làm trong dạy trẻ tự kỷ chính là trực tiếp gặp phụ huynh để có thêm những thông tin về học sinh. Cô Hạnh cho biết: “Khi tiếp xúc với gia đình, đặc biệt là người mẹ của trẻ tự kỷ mới thấy hết được nỗi vất vả, trăn trở về câu hỏi làm sao để các con tiến bộ mỗi ngày dù là một câu nói, đánh vần hay một phép tính. Là giáo viên chủ nhiệm, học sinh lớp mình có những trường hợp thiệt thòi, không may, tôi thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ các em tốt lên mỗi ngày”.
Cũng theo cô Hạnh, tiếp xúc với các học sinh tự kỷ, phải thật sự đồng cảm, đặt vị trí như người mẹ của các em mới hiểu được điểm yếu, điểm mạnh, điểm vượt trội để giúp các em phát huy điểm mạnh, vượt trội. Để các học sinh trong lớp cùng yêu thương, giúp đỡ các bạn tự kỷ, cô Hạnh có cách truyền tải thông điệp rất ý nghĩa đến các bạn khác trong lớp. “Tôi vẫn nói với cả lớp, lớp chúng ta có một số bạn hơi đặc biệt một chút, nhưng các bạn rất ngoan và đáng yêu. Các con cùng chơi với bạn để bạn hòa nhập. Các con cùng động viên, khuyến khích nhau học tập tốt, đặc biệt không được dùng những từ kỳ thị bạn… Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ sự thiệt thòi của các bạn đặc biệt để các con bình thường biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ bạn. Bởi vậy, các con tự kỷ được các bạn thương yêu, luôn được các bạn giúp đỡ”, cô Hạnh chia sẻ.
Để giúp các em hứng thú tham gia các tiết học, cô Hạnh luôn tạo nhiều tình huống để các em cùng tham gia, từ đó cô quan sát trẻ trong từng hoạt động, cùng trò chuyện, cùng chơi trò chơi trong tiết sinh hoạt tập thể, giờ giải lao… để phát hiện những nhu cầu và năng lực của trẻ nhằm đánh thức kịp thời cũng như hạn chế các mặt tiêu cực của trẻ. Chia sẻ về một số kinh nghiệm giảng dạy trẻ tự kỷ, cô Hạnh cho biết: Việc đầu tiên khi dạy trẻ tự kỷ cần phải xác định nhu cầu năng lực của trẻ. Đây là một việc làm bắt buộc trong giáo dục hòa nhập. Có tìm hiểu nhu cầu và khả năng của trẻ mới có thể xây dựng được kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ và các hoạt động hỗ trợ khác. Điểm quan trọng nữa là cần lựa chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy.
Trong quá trình giảng dạy, cần tạo tình huống cho trẻ nói, dạy trẻ nói những câu ngắn gọn, đơn giản. Bên cạnh đó, khi dạy cần chia nhiệm vụ ra thành nhiều bước nhỏ, tách các mục tiêu học tập ra thành nhiều cấp bậc. Ngoài ra, cần hình thành cho trẻ những kỹ năng sống phù hợp và xây dựng mục tiêu giáo dục cho trẻ. Là một thành viên trong nhóm mạng lưới Giáo dục hòa nhập của Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, cô Hạnh đã luôn đồng hành cùng thầy cô và phụ huynh có con em là trẻ tự kỷ.
Nhìn những học trò đặc biệt của mình tốt lên mỗi ngày là động lực để cô tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia với các em mắc chứng tự kỷ học hòa nhập. Là giáo viên tâm huyết, trách nhiệm, mẫu mực, cô Hạnh chính là tấm gương sáng cho thầy cô, học trò noi theo. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn thể hiện được phẩm chất mẫu mực của một nhà giáo, một giáo viên hết lòng yêu thương học sinh.