Vốn ngân hàng cho quả ngọt

Ngược dòng sông Lô lên thành Tuyên những ngày này, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những chuyến xe nối đuôi nhau chở cam đi khắp các tỉnh thành. Đang là mùa thu hoạch cam nên con đường về huyện Hàm Yên, vựa cam của tỉnh Tuyên Quang, tấp nập hơn thường ngày.

Cả đoàn công tác chúng tôi ai nấy đều phấn chấn trước những vườn cam ngút mắt và đều dự cảm thấy một mùa bội thu đang ở gần. Anh cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tự hào nói: “cứ đi, rồi các nhà báo sẽ thấy vốn ngân hàng đã góp một phần không nhỏ cho mùa quả ngọt này”!
 
Sau một hành trình dài, chúng tôi bỗng thấy thư thái, mát mắt khi chạm phải màu xanh của những vườn cam ngút ngàn, những trái cam hây hây, lúc lỉu, đung đưa trong gió như những ngọn đèn vàng điểm trên nền xanh. Điều tuyệt vời hơn là những trái cam ấy đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng cao, nhiều mô hình vườn có doanh thu đạt từ vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Cam Hàm Yên đang được bà con nơi đây coi như cây cho trái vàng.
 

Sản phẩm cam Hàm Yên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Quang Cường - TTXVN

Góp một phần không nhỏ cho mùa quả vàng ấy là vốn tín dụng. Đấy là điều mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi tiếp xúc với những “tỷ phú cây cam” nơi đây. Anh Đặng Văn Vĩ ở thôn Pá Han, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên chia sẻ, gia đình anh hiện có khoảng 15 ha cam và cho thu hoạch khoảng 100 tấn mỗi năm, ước thu về trên một tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, để có được “cơ ngơi” này, anh Vĩ đã nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ phía ngân hàng. Agribank Phù Lưu đã kịp thời cung ứng vốn để đầu tư và mở rộng sản xuất. Nếu như năm 2006 anh chỉ vay được 20 triệu đồng thì đến nay dư nợ tại Agribank là 500 triệu đồng. “Năm 2006, gia đình tôi chỉ có hơn 1 ha để trồng cam, để có được diện tích gấp 10 lần như hôm nay không dễ gì đạt được. Đấy là sự nỗ lực, quyết tâm làm giàu và sự trợ giúp đắc lực từ phía ngân hàng, đặc biệt là Agribank”, anh Vĩ chia sẻ.
 
Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, từ khi cây cam “nhen nhóm” cơ hội làm giàu cho nông dân, nguồn vốn của ngân hàng đã trở thành trợ thủ đắc lực cho nhiều “tỷ phú chân đất”. Đặc biệt, địa phương cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi, tăng cường phối hợp với Agribank Hàm Yên trong thẩm định tài sản thế chấp của người dân, cũng như hỗ trợ cán bộ tín dụng của ngân hàng “bám” địa bàn, tìm hiểu thực trạng, quy mô các dự án muốn xin hỗ trợ vay vốn trồng và chăm sóc cam tại địa phương.
 
Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Phòng giao dịch Phù Lưu, thuộc Agribank Chi nhánh Hàm Yên, chi nhánh đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở các địa phương tìm kiếm khách hàng cũng như các mô hình đầu tư hiệu quả, nhằm đáp ứng nguồn vốn cho vay. Đồng thời, phòng cũng chỉ đạo đội ngũ cán bộ tín dụng tăng cường bám sát cơ sở, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn mình phụ trách, tư vấn, hướng dẫn chu đáo cho các khách hàng những thủ tục vay vốn nhanh, chính xác và hiệu quả đối với người dân. Hiện tại, dư nợ cho người dân vay vốn trồng và chăm sóc cam thông qua giao dịch tại phòng lên tới 106,6 tỷ đồng, chiếm 73% tổng dư nợ. Riêng địa bàn xã Phù Lưu, dư nợ cho vay trồng và chăm sóc cam đạt 79,1%, chiếm 83,3% dư nợ cho vay của xã, với 36 trang trại cam.
 
Gần 20 năm làm nghề sửa xe máy với thu nhập ổn định, nhưng anh Trịnh Văn Lực, ở xóm Đô Thượng, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang đã mạnh dạn chuyển sang làm trang trại lợn kết hợp với trồng cây ăn trái. Khi ấy, gia đình và những người quen biết anh Lực đều không đồng tình. Mặc cho sự phản đối, anh Lực vẫn quyết tâm vay vốn ngân hàng thực hiện giấc mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Anh Lực chia sẻ: “Nếu không có vốn ngân hàng mình chỉ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập không lớn, kinh tế không phát triển mạnh được. Trong quá trình làm tôi cũng đã gặp thất bại, nhưng ngã đâu đứng lên đấy, mình lại tìm tòi, học hỏi. Cứ làm ăn nhỏ rồi làm lớn dần và vốn thì không bao giờ thấy đủ”.
 
Hiện tại, ngoài vườn bưởi, gia đình anh Lực có 50 con lợn lái và 150 con lợn thịt, mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng và cho lãi khoảng 300 triệu đồng. “Giờ thì tôi có thể tự tin với những người xung quanh rồi và muốn vay thêm vốn để đầu tư vườn bưởi và đàn lợn chất lượng hơn”, anh Lực nói.
 
Ông Đào Quang Uy, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Tuyên Quang cho hay, với sứ mệnh là ngân hàng chủ lực hỗ trợ thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), Agribank chi nhánh Tuyên Quang đã bám sát các chương trình phát triển kinh tế của địa phương để đầu tư tín dụng. Chi nhánh cũng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ bà con tiếp cận vốn vay. Đối với chính sách hỗ trợ cho các trang trại, nếu đủ điều kiện được công nhận là kinh tế trang trại, ngoài được hưởng các chính sách của Nhà nước, của tỉnh theo quy định, còn được hưởng chính sách ưu tiên về khuyến nông, khoa học kỹ thuật và chính sách về tín dụng.
 
Triển khai Nghị định 55/2015/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn của Agribank đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng thu nhập cho người dân.
Đỗ Huyền
Đổi thay cuộc sống từ trồng cam
Đổi thay cuộc sống từ trồng cam

Nhà bà Phùng Thị Bích, thôn Khe Bút, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hiện có hơn 400 gốc cam, mỗi năm thu về gần 700 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN