Ưu tiên vốn vay cho xây dựng nông thôn mới

Phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng, ưu tiên vốn cho các địa phương xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển kinh - tế xã hội ở những vùng còn khó khăn là nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Hội nghị tổng kết các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định triển khai ngày 22/1.

Gia đình ông Đoàn Văn Dinh, ở khu 2 Côn Đảo vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, đầu tư cải tạo mở rộng diện tích trồng rau xanh, chăn nuôi bò, kinh tế gia đình từng bước ổn định. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nam Định Phạm Thị Tuyết cho biết, bám sát kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 - 2020, thời gian tới, chi nhánh sẽ phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các huyện, thành phố; trong đó, ưu tiên cho những địa phương xây dựng nông thôn mới, những nơi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao (theo chuẩn mới); tích cực huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư để tạo lập nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Cùng với đó, chi nhánh phối hợp các địa phương và cơ quan chức năng rà soát nhu cầu vay, đối tượng vay theo quy định của Nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhân viên tại các phòng giao dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài đánh giá, các chương trình tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả tại địa phương. Với ưu điểm thời hạn cho vay dài, lãi suất thấp, người nghèo vay không phải thế chấp, thủ tục vay đơn giản đã giúp hộ nghèo, hộ chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Trong năm qua, đã có trên 3.800 lượt hộ nghèo, hơn 6.400 lượt hộ cận nghèo, gần 2.660 hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ…

Nguồn vốn này đã giúp trên 1.600 hộ thoát nghèo, gần 1.350 hộ thoát cận nghèo, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu. Các địa phương đã xây dựng được trên 43.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường góp phần cải tạo môi trường nông thôn, hạn chế dịch bệnh, nâng cao đời sống sinh hoạt cho người dân. Thông qua các chương trình vay giải quyết việc làm, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã hỗ trợ vốn cho gần 1.200 dự án, thu hút gần 1.700 lao động vào làm việc góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển ngành công nghiệp địa phương…

Năm 2015, chi nhánh đã triển khai 9 chương trình tín dụng với tổng nguồn vốn trên 2.200 tỷ đồng, ưu tiên cho các chương trình trọng điểm như: nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ngoài nguồn vốn từ Trung ương, UBND tỉnh Nam Định, các địa phương trong tỉnh đã trích 1,7 tỷ đồng từ ngân sách bổ sung cho nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Vũ Văn Đạt
Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ đồng bào vùng giá rét
Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ đồng bào vùng giá rét

Ngân hàng Chính sách xã hội vừa có công điện gửi chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc tổ chức khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, nhất là thiệt hại về người và tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN