Trục lợi từ thương hiệu sâm Việt Nam

Tam thất hoang (hay còn được gọi là sâm) của Trung Quốc mua chỉ vài trăm nghìn/kg, đi đường tiểu ngạch về tới Việt Nam, đội lốt thương hiệu sâm Việt Nam, chủ yếu là Ngọc Linh, Lai Châu đội giá lên hàng chục lần để gian thương thu lợi.

Hình dáng bên ngoài sâm Trung Quốc và Việt Nam khá giống nhau nên người tiêu dùng khó phân biệt thật, giả.

Chú thích ảnh
Vườn trồng sâm Lai Châu giống gốc ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN.

Đặc sản sâm… vùi

Với những người chuyên mua, bán sâm, khái niệm sâm vùi được dùng cho các loài sâm từ Trung Quốc nhập lậu, vùi trồng trong đất ở Việt Nam. Sau một thời gian, số cây sâm vùi sẽ được gắn mác với thương hiệu sâm Việt, chủ yếu là Ngọc Linh để bán ra thị trường.

Tại tỉnh Lai Châu, anh T, một người trồng sâm cho biết, sâm Trung Quốc 3 - 4 tuổi khi mang về vùi, năm đầu tiên lá dài, thân to, lá dày, xanh đậm, gân thô. Chùm quả to, nhiều hạt, do ảnh hưởng thuốc kích thích vẫn còn trong cây. Sâm của Việt Nam trồng 4 năm tuổi, cho hạt không nhiều như sâm Trung Quốc vùi. Sâm Trung Quốc được trồng bằng cách sau khi cho cây ngủ đông, sang tháng 1 sẽ phun thuốc kích thích cho cây ra rễ để cây khỏe, chống sâu bệnh, chống bệnh thối củ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sâm Trung Quốc đưa vào Việt Nam, gian thương liên kết 1 - 2 hộ dân, vùi sâm để “mặc áo mới". Đặc biệt, các vườn cây sâm bên Trung Quốc khi xuất hiện bệnh thối nhũn củ, không trị được, thường sẽ được xuất bán cả vườn cho thương lái bên Việt Nam với giá rẻ, đem vùi 1 - 2 tháng nhằm "rửa nguồn" để bán ra thị trường.

“Họ treo đầu dê, bán thịt chó. Sâm vùi sống bằng chất dinh dưỡng khác, không phải tự nhiên. Họ vùi 1-2 năm là phải bán, không trồng lâu được”, anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu khẳng định.

Tại thủ phủ sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, tình trạng sâm vùi cũng đã “chen” đến đỉnh Ngọc Linh. Tại huyện Tu Mơ Rông, vùng trọng điểm trồng sâm Ngọc Linh của Kon Tum, câu chuyện nhổ sâm vùi, giấu khi có đoàn lên kiểm tra vườn sâm đã xuất hiện. Cá biệt, một số nhà vườn khoe hình, khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, chủ vườn vội giấu đi.

Ngoài sâm vùi, thương lái còn nhập cây sâm giống Trung Quốc đưa về các thủ phủ trồng sâm ở Kon Tum, Quảng Nam để lừa bán. Là Chủ tịch Hiệp hội Sâm nhưng anh Nguyễn Anh Tuấn cũng nhận quả đắng từ chiêu trò này. Cụ thể, anh Tuấn đặt mua cây giống Ngọc Linh từ một thương lái ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Chú thích ảnh
Vườn trồng sâm Lai Châu giống gốc ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN.

Tuy nhiên, khi trồng, phát hiện có rất nhiều cây giống sâm Trung Quốc. Sau rà soát, mang cây giống sâm có hình thái lạ xét nghiệm, kết quả gần 40% cây giống không phải là sâm Ngọc Linh. Anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết đã bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng để mua giống. Tuy nhiên, kết quả phân tích, số cây trên có đủ loại giống từ Trung Quốc, Lào, Lai Châu….

Thực tế, một lãnh đạo công ty sâm trồng Ngọc Linh lâu năm ở Kon Tum từng cảnh báo, công khai, kèm dẫn chứng cây, hạt sâm Trung Quốc xuất hiện tại huyện Tu Mơ Rông, thủ phủ trồng sâm của tỉnh Kon Tum.

Sâm “quý” giá nào cũng có

Lai Châu, địa phương có đường biên giới giáp Trung Quốc, vấn đề sâm giả thương hiệu Lai Châu, Ngọc Linh trở thành vấn nạn với người làm ăn chân chính.

Cụ thể, với giá bán một kg hạt (4.500 hạt) sâm Tam thất Trung Quốc giá chưa tới 3 triệu đồng (Ngọc Linh có giá 100 nghìn đồng/hạt). Một kg sâm củ trồng giống sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu rừng giá từ 3 - 10 triệu đồng/kg…. “Ở Lai Châu giá nào cũng có, từ vài trăm nghìn đến hơn 10 triệu đồng, mua là có ngay”, một người bán sâm ở Lai Châu khẳng định với phóng viên.

Để xâm nhập vào Lai Châu, thời gian qua, sâm Trung Quốc phải đi đường tiểu ngạch vào Việt Nam. Dọc tuyến biên giới, hàng rào chắn cẩn thận. Tuy nhiên, để đưa sâm qua biên giới, tư thương đóng sâm vào thùng xốp, thả trôi sông vào địa phận Việt Nam cho đối tác vớt hoặc ném qua hàng rào biên giới. “Giờ họ sơn đen thùng xốp hoặc quấn bao đen để ngụy trang. Đường biên giới dài, để lừa lực lượng chức năng của Việt Nam, họ dùng đủ chiêu để thực hiện”, người dẫn đường cho biết.

Thừa nhận có tình trạng sâm Trung Quốc tuồn về Việt Nam, thượng tá Quản Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu cho biết, việc thẩm lậu sâm từ Trung Quốc về Việt Nam là có. Đường biên giới dài, phía Việt Nam nhiều đoạn không có đường tuần tra. Lực lượng biên phòng không thể tuần tra, soi đèn cả đêm. Họ chui qua hàng rào, thả hàng trôi sông, trời tối, sương mù nên khó phát hiện. Đôi khi chúng lừa lực lượng chức năng, bỏ đá, cùi bắp thả trôi sông cho mình bắt ở một nơi, ở đoạn dưới chúng lại thả thùng chứa sâm cho đồng bọn.

“Tình trạng sâm từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam để giả thương hiệu sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh vẫn đang diễn ra. Về mặt giá cả, sâm từ Trung Quốc nhập sang có giá chỉ 1 - 3 triệu đồng/kg, đội lốt thành sâm Lai Châu bán khoảng 30 triệu đồng/kg, sâm Ngọc Linh còn cao hơn nhiều. Việc chênh giá cả như vậy khiến tình trạng nhập lậu để kiếm lời diễn ra khó kiểm soát”, ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu thừa nhận.

Mua rẻ, bán đắt nên hiện tại việc mua bán sâm trên mạng, tại các vùng trồng sâm diễn ra công khai. Buôn sâm, một vốn, mấy chục lần lời. Với sâm Trung Quốc, hàm lượng dư lượng thuốc thuốc hóa học cao. “Sâm này xuất xứ không rõ ràng, bên cạnh đó có thêm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao thì hại mình. Bổ chỗ này, nát chỗ khác” - GS. TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô, nguyên Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này.

Cao Nguyên - Việt Dũng (TTXVN)
Nâng tầm vị thế sâm Ngọc Linh
Nâng tầm vị thế sâm Ngọc Linh

Ngày 10/12, tại làng Tu Thó (xã Tê Xăng), Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tổ chức Hội thảo “Sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN