TP HỒ CHÍ MINH: Thị trường vật liệu xây dựng ế ẩm

Do thị trường bất động sản suy giảm, kinh tế khó khăn nên thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) tại TP Hồ Chí Minh đã rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Mãi lực giảm mạnh

Sáng 11/4, lướt một vòng các con đường nổi tiếng sầm uất về kinh doanh VLXD của TP Hồ Chí Minh như Lý Thường Kiệt, Thành Thái, Tô Hiến Thành… hầu hết đều trong tình trạng “vắng như chùa bà Đanh”. Tình trạng trên còn tệ hơn ở các khu vực ngoại thành như huyện Củ Chi, Hóc Môn… khi rất nhiều chủ doanh nghiệp đang “mỏi mòn” đợi khách hàng sau thời gian dài ế ẩm từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Đang tiện tay sắp xếp lại những viên gạch men ốp lát tường vương vãi khắp lối đi, chị Hoa, chủ một cửa hàng bán VLXD tại chợ Củ Chi than thở: “Vắng khách nên hàng bán ra chỉ bằng 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do người dân gặp khó khăn trong làm ăn nên ít đầu tư cho sửa sang hoặc xây nhà cửa”.

Bất động sản ảm đạm đang tác động mạnh đến thị trường vật liệu xây dựng.


Anh Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng ngưng trệ ở nhiều dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng đang tác động mạnh đến thị trường VLXD. Hiện lượng tiêu thụ nhiều mặt hàng VLXD đang xu hướng giảm so với cùng kỳ. Đơn cử như: Gạch, ngói, gốm sứ chỉ bằng khoảng 40%; lượng thép tồn kho tăng gần 60%...

Qua khảo sát chúng tôi thấy, sức mua nhiều mặt hàng VLXD đang giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ, tập trung ở nhóm hàng chủ lực như xi măng, sắt, thép… Thị trường xây dựng trầm lắng đã tác động đến sức mua nhiều sản phẩm “ăn theo” khác như: Gạch men, sơn chống thấm, dây cáp điện… cũng trong tình trạng “hẩm hiu”. Nhằm tăng mãi lực kinh doanh, các doanh nghiệp đã chủ động hạ giá bán, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng nhưng kết quả vẫn không khả quan. Tại các cửa hàng bán VLXD, giá bán lẻ các loại bồn cầu đã giảm khoảng 5-10% đối với loại có giá trên dưới 1 triệu đồng/cái, sàn gỗ giảm khoảng 15%, gạch ngói giảm 10%... so với thời điểm các tháng đầu năm 2011.

Đối mặt nguy cơ thua lỗ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các tháng đầu năm 2012 đã tăng hơn 21% so với cùng kỳ; trong đó, gạch ốp lát tồn kho trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng, thép tồn kho gần 400.000 tấn… Đối phó với lượng tồn kho lớn, hiện nhiều doanh nghiệp đã chọn giải pháp an toàn cắt giảm sản xuất, thu gọn quy mô. Theo ước tính của các ngành chức năng, do thị trường ảm đạm sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất VLXD bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó con số phá sản lên đến 15 - 25%.

Những tháng tới là mùa mưa bão, được xem là thời gian thấp điểm nhất về xây dựng nên thị trường VLXD sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, giá VLXD sẽ biến động theo chiều hướng giảm nhẹ. Trong tình hình khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần có các biện pháp mang tầm vĩ mô mạnh mẽ hơn giúp doanh nghiệp giảm khó, đặc biệt chú ý việc hạn chế nhập khẩu để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nội địa. “Trong lúc đợi ngành xây dựng tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh vươn ra thị trường thế giới, các doanh nghiệp trong nước phải liên kết với nhau, tạo dựng những thương hiệu mạnh. Với tình hình thị trường như hiện nay, doanh nghiệp phải bình tĩnh, tránh trường hợp phá giá, dìm giá… để cùng cạnh tranh lành mạnh bằng giá cả phù hợp, chất lượng, dịch vụ hậu mãi…”, anh Bình nói thêm.

Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN