Tiến sỹ phải chú trọng làm nghiên cứu khoa học

Trong top 400 trường đại học (ĐH) hàng đầu thế giới và 100 trường ĐH hàng đầu châu Á không có một trường ĐH nào của Việt Nam. Thực trạng đáng buồn này đặt ra một yêu cầu là cần phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở bậc ĐH. Trong đó, đầu tư cho đào tạo tiến sỹ (TS) và công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) cần phải được coi trọng hàng đầu.

Số lượng tiến sỹ không đi liền chất lượng

Nếu như năm học 2002 - 2003, số giảng viên trong các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam có trình độ TS là hơn 5.400 người thì đến năm 2009 con số này đã tăng lên 6.200 TS. Số lượng các TS giảng dạy trong các trường ĐH ngày càng tăng, tuy nhiên chất lượng các TS thì còn rất nhiều vấn đề.

Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Tại buổi tọa đàm “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” vừa được tổ chức ngày 23/12 tại ĐH Nông nghiệp Hà Nội, hàng loạt ý kiến của các nhà khoa học đã tập trung đề cập tới hạn chế trong đào tạo TS và công tác NCKH tại các trường ĐH ở Việt Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đĩnh, Viện trưởng Viện Giáo dục sau ĐH, ĐH Nông nghiệp Hà Nội: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phải diễn ra ở cả hệ thống từ mầm non đến sau ĐH, trong đó phải chú trọng đến việc đào tạo TS. “Muốn có nền giáo dục tốt phải có đội ngũ làm giáo dục tốt, trong đó, phải chú trọng đào tạo trình độ TS. Đào tạo TS phải được đặt ở một vị trí xứng đáng chứ không phải như hiện nay”, GS.TS Nguyễn Văn Đĩnh đề xuất.

Tại Việt Nam, mức đầu tư cho NCKH còn thấp. Con số này được đưa ra tại buổi tọa đàm là 500 USD/người. Trong khi con số này tại Mỹ năm 2010 là 30.000 USD/người và chủ yếu cho nghiên cứu sinh. Số giảng viên tham gia hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ còn hạn chế, chỉ khoảng 28%. Lí giải về con số ít ỏi này, ông Đĩnh cho rằng nhiều thầy cô bận rộn công việc tại cơ quan và làm thêm nên không có thời gian cho việc nghiên cứu.

Anh hùng Lao động, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng cho rằng đổi mới giáo dục, đào tạo phải quan tâm đầu tiên đến đào tạo TS: “Tôi thấy việc bảo vệ TS chất lượng ngày càng đi xuống. Các TS càng trẻ càng ít có xu hướng trở thành nhà khoa học”. Các chuyên gia giáo dục tham gia cũng cho rằng, nhiều người học TS không vì mục tiêu NCKH mà chủ yếu là để có bằng cấp phục vụ cho con đường thăng tiến của mình.

Đặc biệt, hiện nay, các nhà KH làm công tác nghiên cứu thật sự, nhất là làm nghiên cứu với mục đích để giảng dạy cho sinh viên còn rất ít. Điều này dẫn đến thực trạng, ở nước ta, những giáo trình giảng dạy cho sinh viên thường rất cũ và ít cập nhật từ những công trình NCKH.

Tiến sỹ phải chú trọng làm NCKH

Hiện nay, nghiên cứu sinh đang phải tự bỏ tiền túi để chi trả cho các khoản học phí, lệ phí. Hỗ trợ từ Nhà nước để có được những đề tài lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế là chưa xứng tầm. Để giải quyết thực trạng này, GS. TS Nguyễn Quang Thạch kiến nghị cần có sự đổi mới triệt để và toàn diện công tác NCKH. “Hãy tạo điều kiện cho đại bộ phận cán bộ giảng dạy tại trường có điều kiện nghiên cứu. Bộ nên đặt một số đề tài trọng điểm để các cán bộ tập trung vào đó, đồng thời có sự quan tâm, đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu”, GS Thạch nói.

Theo thầy Nguyễn Bá Mùi, giảng viên Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản, ĐH Nông nghiệp Hà Nội: “Nếu trả lương cho nhà khoa học đánh đồng với công chức thì không thể tạo điều kiện cho NCKH được. Hiện nay, trường ĐH Nông nghiệp trả lương dạy ngoài giờ cho các giảng viên chỉ khoảng 35.000 đồng/giờ. Lương thấp dẫn tới các giảng viên phải làm thêm nhiều công việc khác nên không có thời gian để NCKH”.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ những bức xúc của các nhà khoa học về công tác đào tạo TS và NCKH tại Việt Nam. Ông cho rằng: “Chúng ta buộc phải đẩy mạnh NCKH trong các trường ĐH để nâng cao thứ hạng các trường ĐH trong nước vì đây là một trong những tiêu chí xếp hạng rất quan trọng. Đồng thời, các TS đào tạo ra phải làm công tác NCKH. Hiện nay, chương trình cao học nước ta không định hướng rõ thạc sĩ chuyên nghiệp hay thạc sĩ nghiên cứu như nước ngoài. Nếu học cao học nghiên cứu thì sau này sẽ chuyên sâu vào NCKH. Đây là ý tưởng hay có thể đưa vào chương trình đổi mới giáo dục và đào tạo trong thời gian tới”.

Mặt khác, chất lượng đào tạo TS còn phụ thuộc nhiều vào người thầy. Việt Nam còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện mời các GS có uy tín nước ngoài về giảng dạy. Nhất trí với quan điểm này, song GS Nguyễn Văn Đĩnh kiến nghị: Nếu đã gửi người đi học nước ngoài thì nên gửi cả êkíp đi học. “Tại sao không đào tạo cả một êkíp làm việc trong phòng thí nghiệm. Đào tạo đồng bộ sẽ tránh lãng phí, tránh đào tạo nhỏ lẻ rồi lại không sử dụng được”, ông Đĩnh nói.

Nam Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN