Đứng ngồi không yên vì giá đất
Bốn huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm là những huyện có thông tin lên quận vào năm 2020. Đây cũng là tâm điểm của những biến động ngoạn mục về giá đất từ cuối năm 2018 đến nay.
Theo tìm hiểu, tại một số khu vực, giá đất được đồn thổi tăng từ 20-30%, thậm chí có nơi tăng vọt 70-100%. Đơn cử, tại huyện Đông Anh, khu đô thị Nguyên Khê, đất được rao từ 28-30 triệu đồng/m2 trong khi cùng kỳ năm ngoái giá rao bán từ 15-17 triệu đồng/m2; đất tại xã Xuân Canh, giá bị đẩy từ 20 triệu đồng/m2 lên từ 35-40 triệu đồng/m2; đất khu Lễ Pháp, giá rao tăng từ 15-18 triệu đồng/m2 lên mức từ 30-35 triệu đồng/m2…
Tại Gia Lâm, đất trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, giá chào bán hiện tại môi giới đưa ra dao động từ 38-45 triệu đồng/m2, trong khi mức giá đầu năm 2018 từ 32-36 triệu đồng/m2. Đất mặt đường Kiêu Kỵ, giá rao bán từ 25-32 triệu đồng/m2, trong khi giá đầu năm dao động từ 20-23 triệu đồng/m2….
Đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá khủng, dao động từ 55-65 triệu đồng/m2 trong khi đầu năm 2018, giá đất chỉ dao động từ 30-40 triệu đồng/m2.
Tại Hoài Đức, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi đang được chào giá từ 120-130 triệu đồng/m2 còn thời điểm cuối năm 2017, giá chào bán từ 80 - 110 triệu đồng/m2. Đất có vị trí đẹp tại các xã An Khánh, An Thượng được chào giá từ 30 - 37 triệu đồng/m2 trong khi thời điểm đầu năm ngoái, giá chỉ quanh quẩn từ 23 - 28 triệu đồng/m2…
Giá đất được đẩy lên cao trong một thời gian ngắn đã khiến nhiều người quan tâm đến thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội bị"nhiễu" thông tin. Nhiều người đứng ngồi không yên vì tâm lý muốn bán kiếm lời, nhưng lại sợ bán rồi giá sẽ tăng hơn nữa. Vậy thực hư của những tin đồn giá đất tăng “chóng mặt” khu vực vùng ven Hà Nội là gì? Giá đất có thực sự đã tăng như vậy không?
Đất tăng giá do “cò”
Qua khảo sát thực tế, dù mức giá được đẩy cao như vậy nhưng trên thị trường giá giao dịch hầu như không tăng, hoặc tăng không đáng kể (khoảng 5%). Anh Nguyễn Lê Hưng, chủ một lô đất tại Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) cho biết, anh đang rao bán lô đất của mình với giá 125 triệu đồng/m2, cao hơn so với cuối năm 2017 là 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, rao đã 2 tháng nay mà vẫn chỉ có một vài "cò" đất đến hỏi chứ cũng không có khách đến hỏi mua.
Còn tại huyện Đông Anh, những giao dịch tại bộ phận một cửa khi người dân đến làm thủ tục hành chính về đất đai không cho thấy giá đất tăng đột ngột. Mức giá giao dịch giữa người bán và người mua thấp hơn rất nhiều so với mức giá đang rao trên thị trường. Với các giao dịch đã được thực hiện, nếu có tăng thì ở mức rất nhẹ, khoảng 5% ở những lô đẹp, còn lại là không tăng so với thời điểm cuối năm 2018.
Cụ thể, giá đất thông thường tại Đông Anh hiện chỉ dao động từ 12 - 45 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí; trong đó mức giá từ 30 - 45 triệu đồng/m2 là rất ít. Các vị trí thuận lợi như xã Vân Nội, Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, thị trấn Đông Anh cũng chỉ dao động từ 15 triệu đồng/m2 đến hơn 30 triệu đồng/m2.
Ghi nhận tại các văn phòng môi giới bất động sản Đông Anh cũng cho thấy, dù giá đất hiện đang được đẩy lên khá cao, lượt chào bán nhiều nhưng số giao dịch thành công ít. Giới đầu tư vẫn còn cảnh giác với những cơn sốt đất ở thời điểm trước đó. Hầu hết, các giao dịch chuyển nhượng đang diễn ra chủ yếu giữa các nhà đầu cơ với nhau.
Bà Lê Thu, khu vực Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cho biết: “Chúng tôi có nghe phong thanh việc đất tăng giá do huyện sắp lên quận. Nhưng thực tế, có rất ít người đến hỏi mua. Chúng tôi vẫn làm ăn sinh sống bình thường và không bị ảnh hưởng bởi đất "sốt" như nhiều người nghĩ”.
Như vậy, không khó để nhận ra thông tin lên quận với 4 huyện ngoại thành trên mới chỉ là đề xuất nhưng đã trở thành cái cớ để đầu nậu, “cò” đất các khu vực trên thổi giá. Trên thực tế, giá đất không hề tăng, nếu có chỉ tăng rất nhẹ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tiến (Quản lý quỹ đầu tư Nik Capital) cho biết, tâm lý của “cò” đất là phải làm sao có được tối đa khách hàng quan tâm đến mặt hàng họ đang rao bán.
Việc sốt giá đất tại một số khu vực huyện có định hướng lên quận ở Hà Nội tương tự câu chuyện ở Củ Chi, Hóc Môn ở TP Hồ Chí Minh. Việc giá bán tăng chủ yếu do “cò” hoặc nhà đầu tư đã có các dự án hoặc nguồn hàng hiện hữu ở đây. Từ các thông tin chính thống, giới “cò” đất tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, tạo sóng và lướt sóng... “cò” đất đã trục lợi tối đa để đẩy hàng thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhìn nhận, đề xuất nâng 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh lên quận gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều những dự án lớn. Tại Hoài Đức, đề xuất còn được xem là cứu cánh cho nhiều dự án bất động sản đang bị treo từ nhiều năm nay không thể triển khai.
Tuy nhiên, ông Đính cảnh báo, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Nghĩa là, đi kèm với đất đai phải là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo. Do đó, những tin đồn thổi về giá đất có thể làm phá vỡ hệ thống quy hoạch, làm méo mó, hỗn loạn thị trường, không mang lại lợi ích cho cả địa phương, xã hội và thị trường.
Do đó, ông Nguyễn Văn Đính lưu ý, dù là huyện hay lên quận đều phải có tiêu chuẩn, tiêu chí rất rõ ràng, đi cùng với các yêu cầu về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới phát triển được.
Phía luật sư cũng đưa ra lời cảnh báo người mua nhà nên thận trọng với những giao dịch có giá cao bất thường. Thực tế đã cho thấy, nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội bị “cò” đất thao túng làm giá đất lên cao nhưng cũng hạ nhiệt nhanh chóng khi có những tác động từ nhiều yếu tố khác.
Từ thực tế trên, để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia bất động sản cảnh báo, nhà đầu tư không nên chạy theo tin đồn, chạy theo những giá trị ảo, đầu tư phải dựa vào tiềm năng phát triển thực tế để tránh phải ôm “trái đắng”. Nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán.