Thị trường thức ăn nhanh ở Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, trong khi thương hiệu nội vắng bóng thì thương hiệu ngoại đang được dịp chiếm lĩnh thị trường.
Cuộc đua của các “ông lớn”
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi người Việt Nam chỉ biết đến những món ăn truyền thống như cơm, phở, xôi… thì những thương hiệu thức ăn nhanh lớn trên thế giới đã bắt đầu mở các cửa hàng tại Việt Nam, mà mở đầu là tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, Jollibee mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1996, KFC năm 1997 và Lotteria năm 1998. Từ đó, những món gà rán, hamburger dùng kèm nước uống có gas, pizza... ngày càng được người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, ưa chuộng. Tính đến nay, Lotteria và KFC đang dẫn đầu về số lượng cửa hàng trên thị trường Việt Nam.
Các cửa hàng thức ăn nhanh ngoại xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. |
Theo khảo sát thị trường thức ăn nhanh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Vinaresearch vào cuối năm ngoái, KFC đang dẫn đầu danh sách những thương hiệu được sử dụng thường xuyên nhất. Hãng này hiện đã mở rộng chuỗi cửa hàng của mình tại nhiều thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ…
Sau khi thương hiệu Buger King của Mỹ vào Việt Nam cuối năm 2012, “người khổng lồ” McDonald's cũng thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên vào đầu năm 2014. McDonald's hiện là thương hiệu dẫn đầu thị trường thức ăn nhanh thế giới, với hơn 34.000 cửa hàng, mỗi ngày phục vụ gần 70 triệu khách hàng tại 100 quốc gia. Ngoài ra, thị trường thức ăn nhanh còn có nhiều cái tên đình đám khác như Pizza Hut, Domino Pizza, Subway… “Cuộc chiến” trên thị trường thức ăn nhanh Việt Nam đang diễn ra giữa những “ông lớn” của thế giới.
Việt Nam có khoảng 90 triệu dân, trong đó 65% dân số dưới 35 tuổi (khách hàng chính của các cửa hàng thức ăn nhanh). Các tập đoàn nước ngoài đã nắm bắt được cơ hội rất lớn này nên không ngừng mở rộng, phát triển chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Dự báo các thương hiệu ngoại sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2015. Trong khi đó, các thương hiệu nội hầu như vắng bóng trên thị trường.
Cơ hội nào cho thương hiệu nội?
Cho đến nay, nếu nói về thức ăn nhanh của Việt Nam, có lẽ người ta chỉ biết đến một số ít các thương hiệu như Vietmac hay Phở 24. Những thương hiệu này bước đầu đã tạo dấu ấn nhưng chưa duy trì được sự phát triển. Phở 24 đã sang tên đổi chủ và thuộc về Jollibee. Vietmac thì chùng xuống hẳn, hiện chỉ có một nhà hàng ở Hà Nội và một nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh. Cửa hàng Spaghetti Box được giới trẻ Hà Nội ưa chuộng nhưng vẫn chưa mở rộng được thị phần với chỉ 2 - 3 cửa hàng tại Hà Nội từ vài năm nay. Công ty bánh kẹo Kinh Đô từng mở 2 - 3 cửa hàng thức ăn nhanh nhưng kinh doanh không hiệu quả…
Theo giới kinh doanh, ngoài những hạn chế về khả năng tài chính, trình độ quản lý, đặc thù của món ăn Việt, việc doanh nghiệp Việt không tham gia vào lĩnh vực này còn bởi thiếu niềm tin. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này như Lotteria, KFC phải chịu lỗ trong thời gian đầu để xây dựng được thị trường như hôm nay. Trong khi doanh nghiệp Việt khó có thể chịu được lỗ như vậy.
Theo một chuyên gia marketing, thương hiệu ngoại có một số ưu điểm vượt trội so với thương hiệu nội. Họ có tiềm lực tài chính hùng hậu (KFC thông báo đã chịu lỗ trong 7 năm thâm nhập thị trường Việt Nam). Hơn nữa, những thương hiệu như KFC, McDonald’s… đều là những cái tên có sức hút lớn đối với người tiêu dùng, trong khi, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam rất sính ngoại. Đây là một trong những lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt vẫn có thể tìm ra những món ăn thuần Việt và xây dựng thành thương hiệu riêng như Phở 24, bánh cuốn Gia An, cơm gà 123… Món ăn Việt sẽ được nhiều người trung tuổi yêu thích hơn do phù hợp về khẩu vị và tốt cho sức khỏe. Ông Vũ Vinh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam |
Bài và ảnh: Hoàng Dương