Thị trường 6 tháng đầu năm: Thúc đẩy tiêu thụ, gỡ khó cho sản xuất

Theo nhận định của các chuyên gia công thương, tài chính chiều 25/6, trong 6 tháng đầu năm, do sức mua trên thị trường thấp, tồn kho hàng hóa nhiều nên có những thời điểm dù tăng giá xăng dầu hay tăng lương cơ bản (tháng 5/2012)... nhưng cũng chỉ tác động rất ít đến mặt bằng giá chung. Các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc thực hiện để giải quyết bài toán tồn kho cũng như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân.

 

Cầu yếu khiến tồn kho cao


Trong tháng 6/2012, thị trường trong nước chủ yếu sôi động trong các hoạt động du lịch, dịch vụ. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng hàng hóa tiêu thụ vẫn chậm, nhiều mặt hàng nông sản đang vào mùa thu hoạch (lúa gạo, vải, dừa, khoai lang, cua, tôm hùm...) nguồn cung tăng nhưng sức tiêu thụ kém nên giá giảm gây khó khăn cho người nông dân. 

 

Nhiều doanh nghiệp triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Một cán bộ của ngành tài chính cho biết: Trong số các nhân tố làm hạn chế mức tăng giá cũng như khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) giảm là do cầu yếu - đây được xem là nhân tố quan trọng nhất, đặc biệt là cầu trong nước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 8,4%, mức tăng thấp đồng nghĩa với việc lượng tồn kho khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm nay đã loại trừ yếu tố tăng giá ước cũng chỉ tăng 6,8%. Do sức tiêu thụ hàng hóa kém nên trong những đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, tăng lương, việc tăng giá do tâm lý được hạn chế tối đa.


Bên cạnh đó, việc triển khai mạnh chương trình bình ổn giá trong dịp Tết tại các địa phương; tỷ giá USD/VND tương đối ổn định; từ cuối tháng 4/2012, giá các mặt hàng nhiên liệu nhập khẩu bắt đầu giảm mạnh cũng được coi là những nhân tố làm hạn chế mức tăng giá.


Các chuyên gia cũng dự báo, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố: Mùa mưa bão ảnh hưởng đến nguồn cung, giá cả nhóm hàng thực phẩm tại một số địa phương. Tuy nhiên, các yếu tố tác động làm hạn chế tăng giá hàng hóa vẫn chiếm ưu thế hơn như: Giá nhiên liệu trên thế giới tiếp tục giảm; lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm; nguồn cung hàng hóa lương thực, thực phẩm dồi dào. Trước mắt dự báo CPI tháng 7/2012 tăng khoảng 0,1% so với tháng 6/2012.

 

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân


Theo báo cáo mới nhất của ngành công thương - tài chính, một số mặt hàng 6 tháng đầu năm có những biến động nhất định, trong đó có mặt hàng lúa gạo. Trong 3 tháng đầu năm, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá lúa gạo thường liên tiếp giảm và giảm sâu nhất vào tháng 2/2012 (giá lúa IR50404 xuống mức 5.000 đồng/kg), trên thị trường chủ yếu giao dịch gạo thơm và gạo chất lượng cao.


Được sự đồng ý của Thủ ướng Chính phủ, Hiệp hội lương thực Việt Nam đã thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân. Sau khi thực hiện, nhìn chung giá lúa tại các tỉnh miền Nam, đặc biệt tại ĐBSCL đã được cải thiện, giá lúa gạo dần nhích lên và giữ ở mức ổn định là 5.300 - 5.500 đồng/kg (lúa tẻ thường) và 6.850 - 8.550 đồng/kg (gạo tẻ thường). Tuy nhiên từ nửa cuối tháng 6/2012 đến nay, giá lúa gạo liên tiếp giảm (đặc biệt là lúa chất lượng thấp) do nguồn cung tăng nhanh, tồn kho ở mức cao trong khi nhu cầu cho xuất khẩu chậm lại.


Trước tình hình này, mới đây nhất, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thống nhất với một số bộ, ngành kiến nghị Chính phủ cho mua tạm trữ thêm khoảng 1 triệu tấn gạo khi vụ hè thu thu hoạch rộ, giá xuống thấp.


Trái với xu hướng tăng giá bất thường của cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn nhìn chung giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng do lo ngại về dịch bệnh, về việc sử dụng chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi; xuất khẩu thịt lợn giảm do việc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Trung Quốc. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT vẫn đang tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, có giải pháp bảo đảm đầu ra giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện nay.


Theo Bộ NN&PTNT và Hiệp hội mía đường, mặc dù niên vụ này diện tích mía được mở rộng, lượng đường tương đối dồi dào nhưng do lãi suất ngân hàng cao, tiêu thụ đường chậm nên việc thu mua mía của các nhà máy đường gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, Nhà máy đường Lam Sơn - Thanh Hóa do tiến hành nâng cấp dây chuyền thứ 2 nên từ đầu vụ đến nay chỉ vận hành 1 dây chuyền, do đó việc thu mua mía trong dân bị hạn chế. Để giải quyết tình trạng này, nhà máy đã hỗ trợ cho bà con nông dân bằng việc mua đồng giá (không tính trữ lượng đường) với mức 1.050.000 đồng/tấn mía; đồng thời hỗ trợ 100.000 đồng/tấn mía và 1 tấn phân/ha diện tích mía thu hoạch cùng một phần chi phí tưới tiêu cho người dân.


Trong 6 tháng đầu năm, do sản lượng đường trong nước tương đối dồi dào, sản xuất đường Thái Lan được mùa, dư cung đường thế giới tăng nên giá đường trong nước có xu hướng giảm. So với cùng kỳ năm ngoái, giá đường đã giảm 11%, so với cuối năm 2011 giảm 7% và so với đầu năm giảm 3%.


Để giải quyết khó khăn cho ngành đường, Bộ Công Thương đã họp bàn với các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường lớn và các nhà máy đường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu nốt 5.000 tấn đường (trong tổng số 30.000 tấn đường đã cho phép xuất khẩu từ đầu năm 2012 theo đề nghị của Bộ NN&PTNT) qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Bộ Công Thương cũng chưa công bố hạn ngạch nhập khẩu năm 2012 (ở mức tối thiểu là 70.000 tấn) cho tới khi hết vụ sản xuất đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành mía đường cũng như ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu.


Minh Phương

Nguy cơ thị trường cuối năm thiếu thịt
Nguy cơ thị trường cuối năm thiếu thịt

Dịch tai xanh bùng phát, giá các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường xuống mạnh khiến người chăn nuôi nhiều địa phương đành bỏ trống chuồng và giảm đàn để hạn chế thua lỗ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN