Tháng 1/2011:Khởi công Dự án thủy điện Lai Châu

Công trình Thủy điện Lai Châu - dự án cuối cùng trong Quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đà dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 1/2011. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 cả nước, sau Sơn La và Hòa Bình. Theo đánh giá, dự án Thủy điện Lai Châu sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho tỉnh Lai Châu, đặc biệt là Mường Tè - một trong những huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn trong cả nước.

Thủy điện lớn thứ 3

Thủy điện Lai Châu được xây dựng ở xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, nằm trong Quy hoạch Điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.Tổ hợp nhà thầu thi công công trình chính là Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn.

Khoan khảo sát lòng sông Đà nơi dự kiến sẽ xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu.

Nhà máy có 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW. Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng trong Quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Đà, sau các dự án thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến và Nậm Na. Theo chủ trương đầu tư được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 25/11/2009 và Dự án đầu tư thủy điện Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 7/6/2010, dự án có tổng mức đầu tư sau thuế là 35.700 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của EVN chiếm 20%, còn lại 80% là vốn vay thương mại trong nước, thương mại nước ngoài, vay tín dụng ưu đãi đầu tư.

Mặc dù cùng nằm trên một dòng sông Đà nhưng Thủy điện Lai Châu không phải thực hiện nhiệm vụ chống lũ cho hạ du như hai nhà máy thủy điện lớn là Sơn La và Hoà Bình.


Nhiệm vụ chủ yếu của Thủy điện Lai Châu là cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng bình quân gần 4,7 tỷ kWh/năm và tăng năng lực phát điện cho các công trình bậc dưới thêm 59,9 triệu kWh/năm.

Do công trình là cấp đặc biệt nên khối lượng công việc chính cũng vô cùng lớn với việc đào gần 14,9 triệu m3 đất đá các loại; đắp gần 2,6 triệu m3 đất đá; đổ trên 3,6 triệu m3 bê tông; 49.465,7 tấn cốt thép; lắp đặt 31.833 tấn thiết bị công nghệ. Công trình sử dụng đập bê tông trọng lực với cao trình đỉnh đập 303m.

Cơ hội vàng cho Lai Châu

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, với những yếu tố thuận lợi hơn Thủy điện Sơn La, công trình Thủy điện Lai Châu có thể rút ngắn thời gian thi công từ 1-2 năm nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm các chi phí trả lãi vốn vay dự án.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Lai Châu cũng nhận định: So với các công trình thủy điện khác, Thủy điện Lai Châu đạt hiệu quả kinh tế cao nhất bởi cơ quan chức năng chỉ di dời 1.706 hộ dân bị ảnh hưởng để có nhà máy 1.200 MW, trong khi Thủy điện Sơn La phải di dời gần 20.000 hộ dân mà công suất chỉ gấp 2 lần.


Chuẩn bị khởi công thủy điện Lai Châu-Ảnh internet

Theo ông Hà, việc xây dựng Thủy điện Lai Châu là cơ hội lớn để địa phương này sắp xếp lại dân cư, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, nơi khó có thể kéo được đường điện đến phục vụ cho các hộ thuộc diện tái định cư ở vùng này. Do vậy, đây là cơ hội lớn để Lai Châu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Đây cũng là dịp để địa phương thể hiện trách nhiệm của mình với sự phát triển của đất nước.

Theo tính toán, hồ chứa Thủy điện Lai Châu với dung tích 1.215 triệu m3 sẽ nằm trọn vẹn trong khu vực huyện Mường Tè, do đó sẽ rất thuận tiện cho công tác di dân, tái định cư và hạn chế tối đa tác động đến môi sinh, môi trường trong khu vực.

Để đảm bảo hạn chế tối đa những tác động đến môi sinh, môi trường của dự án, trong quá trình xây dựng báo cáo đầu tư, EVN đã phối hợp với các cơ quan đầu ngành trong lĩnh vực địa lý, nông nghiệp, các ban ngành của tỉnh Lai Châu để lựa chọn phương án tối ưu.


Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Thủy điện Lai Châu do Viện Địa lý - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam lập đã đề cập đầy đủ các nội dung phù hợp với giai đoạn lập báo cáo đầu tư; đồng thời đánh giá về tổng thể khi xây dựng dự án không gây tác động lớn đến môi trường.

Bên cạnh đó, để đảm bảo giá trị kinh tế-xã hội, tính an toàn của dự án và hệ thống thủy điện trên sông Đà, nhiều đề tài nghiên cứu, thẩm định đã được thực hiện. Những nghiên cứu, thẩm định này đã đưa ra các phương án tối ưu, đảm bảo các hệ số an toàn cho công trình cũng như tính kinh tế và hiệu quả của dự án.

Lợi ích cho di dân Tại một số nơi nằm trong vùng phải di dời phục vụ dự án, người dân đều chung một niềm vui, bày tỏ sự đồng tình với chủ trương xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Ông Lù Văn Qui (dân tộc Thái) trú tại bản Nậm Dòn - xã Nậm Hàng bày tỏ: Khi xây dựng công trình này, đồng bào địa phương sẽ được thụ hưởng rất nhiều lợi ích về cơ sở hạ tầng, nhất là sẽ chia tách và thành lập huyện mới có thị trấn trung tâm huyện đặt tại địa phương này.


Khi công nhân đến xây dựng, người dân sẽ có điều kiện buôn bán, giao lưu hàng hoá nhất là các mặt hàng sản xuất tại địa bàn gồm lương thực, thực phẩm. Nhân dân được nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ có vốn để kinh doanh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng nhằm xoá đói giảm nghèo và làm giàu trên quê hương mình.

Cùng chung quan điểm với ông Lù Văn Qui, chị Lò Thị Thịnh trú tại bản Noong Kiêng, xã Nậm Hàng là một trong những hộ dân đã nhường đất cho việc xây dựng công trình cho biết: “Nhà tôi trước đây ở cửa suối bản Nậm Nhùn. Sau khi có dự án xây dựng thủy điện, cả bản chuyển lên địa điểm mới ở bản Noong Kiêng”.


Thủy điện Lai Châu được xây dựng, bà con ở đây rất phấn khởi vì được về ở tập trung nên đông vui hơn, đời sống văn hóa xã hội cũng có nhiều thay đổi theo hướng tốt hơn.


Theo kế hoạch, dự án sẽ bồi thường di dân, tái định cư cho 1.331 hộ/5.867 người bị ảnh hưởng trực tiếp thuộc địa bàn 8 xã và 1 thị trấn; 617 hộ/3.873 người bị ảnh hưởng gián tiếp thuộc địa bàn của 3 xã. Trên thực tế, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hoàn toàn có đủ quỹ đất để tái định cư số lượng dân phải di chuyển từ vùng dự án và công tác tái định cư sẽ tập trung trên địa bàn huyện Mường Tè.


Quỹ đất này không ảnh hưởng đến các vị trí đã quy hoạch cho các dự án thủy điện đang triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu như Sơn La, Huội Quảng và Bản Chát.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Lai Châu, khi phải di dời một số lượng lớn dân đã sống ổn định lâu dài tại địa phương với những phong tục tập quán lâu đời, phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp quen thuộc về mọi mặt sẽ gặp rất nhiều khó khăn ban đầu.


Do vậy, tỉnh và Ban Quản lý dự án cần chú ý duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường; đề cao trách nhiệm đối với việc bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nguồn nước, cung cấp cho các nhà máy thủy điện hoạt động lâu dài.

Mai Phương - Chu Quốc Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN