Tạo lối đi riêng
Với kinh nghiệm… “thất bại”, bà Phạm Lan Khanh, Nhà sáng lập Freelancer Việt hiểu rõ những bài học đắt giá khi mới khởi nghiệp, để ngày nay, Freelancer (startup công nghệ tạo ra website hoạt động như một sàn giao dịch công việc tự do cho các nhà tuyển dụng) đã có cộng đồng trên 300.000 người dùng, tạo ra trên 100.000 công việc.
Khởi nghiệp năm 2013 với mô hình “sao chép” của các trang web về kết nối người làm việc tự do trên thế giới, bà Phạm Lan Khanh nhanh chóng thất bại với ý tưởng của mình bởi nhiều lý do khác nhau (đặc thù thị trường Việt Nam, nhu cầu khách hàng…). Không nản chí, bà Phạm Lan Khanh tiếp tục học hỏi và thực hiện ý tưởng của mình bắt đầu từ xây dựng thương hiệu và tạo môi trường riêng cho mình.
Để tạo ra cộng đồng hùng mạnh như hiện nay, trước đó bà Khanh đã rất chật vật. Là một startup non trẻ và chưa có trong tay những dữ liệu khách hàng, bà chủ Freelancer Việt đã phải tự mình đứng ra gầy dựng dữ liệu bằng các hoạt động cộng đồng. Trong suốt 2 năm, bà thường xuyên tổ chức cũng như tham gia các sự kiện cộng đồng dành cho những doanh nhân để kết nối cộng đồng.
“Những startup có “hậu thuẫn” tài chính thường dùng tiền để làm marketing, còn startup yếu về tài chính hãy dùng cái tâm và sự chia sẻ để xây dựng cộng đồng những người trung thành với mình”, đó là cách bà Phạm Lan Khanh chia sẻ về khởi nghiệp thành công với ý tưởng riêng của mình.
Từ thực tiễn mô hình Freelancer Việt, ông Nguyễn Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân BizLight cho rằng, đây là một phương pháp rất thiết thực mà những startup công nghệ thiếu nguồn lực về tài chính có thể thực hiện. Nguồn vốn con người trong câu chuyện này được phát huy bằng các hoạt động chia sẻ kiến thức và kỹ năng. Cách làm marketing này có thể giúp startup đến gần với khách hàng của mình hơn mà vẫn không tốn quá nhiều chi phí tài chính.
Theo chuyên gia khởi nghiệp Hoàng Minh Trí, Giám đốc AiPac (Hoa Kỳ), công ty khởi nghiệp không phải là phiên bản nhỏ của các công ty lớn, đây là một nhầm lẫn lớn của một số doanh nhân với kinh nghiệm từ các công ty lớn. Công ty khởi nghiệp không phải thực hiện theo đúng một kế hoạch tổng thể và một mô hình kinh doanh đã có sẵn của một công ty, mà là đang tìm một mô hình kinh doanh phù hợp.
Ông Hoàng Minh Trí cho rằng, những công ty khởi nghiệp mà cuối cùng thành công là những công ty đã vượt qua nhanh chóng từ thất bại này đến thất bại khác, trong công việc họ tiếp tục thích nghi, bổ sung và cải thiện ý tưởng ban đầu của họ và không ngừng tiếp tục học hỏi từ khách hàng. Khởi nghiệp không phải cho tất cả mọi doanh nhân, bởi nghiên cứu thống kê cho thấy, tới 75% khởi nghiệp ban đầu đều thất bại.
Bản sắc riêng để giữ nhân tài
Thống kê sơ lược trên thế giới, nguyên nhân dẫn tới thất bại của một doanh nghiệp khởi nghiệp thường do sản phẩm khởi nghiệp không đáp ứng được nhu cầu thị trường (khoảng 42%), không có kế hoạch tài chính phù hợp, dẫn tới thiếu tài chính để phát triển doanh nghiệp (29%), không có đội ngũ phù hợp cho sự phát triển (23%), không có mô hình kinh doanh phù hợp (17%)… Tỉ lệ thất bại do thiếu “người đồng hành” khá cao.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu, một số người đang làm trong một công ty và có uy tín vì trình độ chuyên môn giỏi, tất cả các việc đều giải quyết nhanh chóng và chuẩn mực. Tuy nhiên, khi ra ngoài lập doanh nghiệp, một mình không thể làm hết được mọi việc vì có rất nhiều áp lực vô hình, như lo hàng hóa, nhà cung cấp, giao hàng, khách hàng, vận chuyển, tài chính… Do vậy, việc tìm người phù hợp có kỹ năng làm việc nhóm là rất quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều startup hiện nay gặp nhiều khó khăn về nhân sự để phát triển dự án của mình, đặc biệt là các startup về công nghệ, vốn cần những nhân sự chuyên môn cao. Phần lớn nhân sự giỏi và nhiều kinh nghiệm thường chọn các doanh nghiệp lớn hoặc... khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Nhà sáng lập Công ty Jobway băn khoăn, trong giai đoạn đầu có nên đầu tư vào tuyển dụng nhân sự chất lượng cao (nhiều kinh nghiệm) nhưng chi phí rất cao hay cố gắng chi phí thấp cho góc độ nhân sự. Nếu không tuyển dụng được những nhân sự tốt thì nên chọn hướng nào để doanh nghiệp phát triển tốt là bài toán khó cho startup.
Thực tế hiện nay, không chỉ gặp khó trong tuyển chọn nhân sự giỏi cho doanh nghiệp, các startup trẻ còn gặp những bất lợi trong giữ chân nhân tài. Nhiều startup chọn lựa sinh viên mới ra trường để giảm chi phí, nhưng khi họ trường thành lại bị thu hút bởi các doanh nghiệp lớn.
Theo ông Lâm Hữu Khánh Phương, Nhà sáng lập Vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubator, nhân sự là một áp lực rất lớn cho các công ty khởi nghiệp. Nếu lựa chọn sinh viên mới ra trường thì họ có nhiệt huyết nhưng kỹ năng thì chưa, kiến thức cũng chưa đầy đủ. Có thể dành thời gian ra đào tạo, nhưng đào tạo xong họ lại ra đi. Làm sao giữ được nhân sự gắn bó với công ty khởi nghiệp là bài toán hết sức đau đầu.
“Việc giữ chân nhân sự là một trong những bài học thương đau của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Tình trạng doanh nghiệp lớn hút nhân sự của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ hút nhân sự của doanh nghiệp mới thành lập… diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp vô vàn khó khăn về sản phẩm, thị trường, trong khi điều kiện tài chính hạn hẹp”, ông Lâm Hữu Khánh Phương nhấn mạnh.
Theo bà Phạm Lan Khanh, các doanh nghiệp cần cân nhắc vấn đề này, lựa chọn nhân sự phù hợp với khả năng tài chính và giai đoạn phát triển của dự án. Trường hợp doanh nghiệp cần tung sản phẩm mới, hoặc bị áp lực về mặt thời gian làm marketing…thì nên lựa chọn những nhân sự giàu kinh nghiệm và đảm bảo được kết quả ban đầu đề ra. Ngoài ra, mỗi startup đều phải làm để tạo ra nguồn cảm hứng làm việc cho tất cả mọi người trong công ty thông qua văn hóa, bản sắc riêng của doanh nghiệp.
Phân tích khía cạnh môi trường làm việc khi lựa chọn nhân sự, ông Bùi Quang Tín cho rằng, không phải nhân sự giỏi nào cũng phù hợp với công ty. Một nhân sự giỏi nhưng không có tinh thần hòa nhập, không làm việc nhóm được và không yêu thích mảng mà doanh nghiệp đang triển khai thì khi tuyển dụng sẽ không thể nào tận dụng tối đa họ. Mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng được văn hóa làm việc công ty, qua đó tạo sự gắn kết và giữ chân nhân sự.
Với môi trường cạnh tranh khốc liệt, các startup muốn tồn tại cần một lối đi riêng, tạo nên văn hóa riêng của doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đứng vững mà tạo tiền đề để doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài phục vụ cho chiến lược phát triển của mình.