Nông nghiệp Đồng Nai cũng đã tham gia sân chơi này từ lâu, và cũng đã bắt nhịp xu thế kịp thời, đáp ứng các tiêu chí chất lượng trong nhiều đơn hàng xuất khẩu. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai được nhiều thị trường trong và ngoài nước biết đến, lựa chọn cho tiêu dùng.
Đồng Nai là địa phương có nền nông nghiệp phát triển nhất khu vực Đông Nam Bộ, dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như chăn nuôi, cây ăn trái… Chính vì vậy, Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp có quy mô hàng hoá lớn, đảm bảo an toàn; trong đó có nhiều sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, có giá trị kinh tế cao, hướng đến thị trường xuất khẩu như xoài, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, ca cao, mít, ổi, thanh long, thịt lợn, gà… Để làm được điều này, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực rất lớn trong việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đảm bảo truy xuất nguồn gốc
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 170 mã số vùng trồng với tổng diện tích khoảng 27.000 ha và 86 cơ sở đóng gói xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Cụ thể, các loại cây trồng cung ứng nguyên liệu đi thị trường Trung Quốc có 133 mã số vùng trồng như: 18 mã số vùng trồng xoài với diện tích hơn 9.000 ha; có 22 mã số vùng trồng chôm chôm với diện tích hơn 6.900 ha; 31 mã số vùng trồng chuối với diện tích 5.600 ha; 13 mã số vùng trồng mít với diện tích 2.200 ha, 9 mã số vùng trồng thanh long với diện tích 728 ha; 40 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.900 ha.
Với thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand có 37 mã số vùng trồng. Thị trường châu Âu có 2 mã số vùng trồng chanh diện tích 35,5 ha; thị trường Hoa Kỳ có 7 mã số vùng trồng chôm chôm với diện tích 67,4 ha và 13 mã số vùng trồng xoài với diện tích 173 ha; thị trường Australia, New Zealand có 15 mã số vùng trồng xoài với diện tích 203 ha.
Đặc biệt, toàn tỉnh có 86 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu thị trường Trung Quốc; trong đó, 39 cơ sở đóng gói chuối, 10 cơ sở đóng gói sầu riêng, 4 cơ sở đóng gói xoài, 1 cơ sở đóng gói khoai lang, 1 cơ sở đóng gói chôm chôm, mít, 31 cơ sở đóng gói các loại nông sản chuối, thanh long, nhãn, vải, mít, xoài, chôm chôm, dưa hấu.
Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai cũng tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, giá cả cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Để tạo được sự cạnh tranh cả số lượng lẫn chất lượng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của tỉnh Đồng Nai cũng đã tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt, thâm nhập sâu hơn, kết nối tốt hơn các vùng trồng. Đồng thời, ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng thực hiện việc xây dựng nền tảng dữ liệu số trong nhiều lĩnh vực như quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, trồng trọt và bảo vệ thực vật, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi và thú y.
Ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản tại địa chỉ http://checkvn.mard.gov.vn. Hệ thống trên đang được kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống truy xuất nguồn gốc của 8 tỉnh/thành và ngành mía đường.
Đến nay, cả nước đã có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của gần 17.000 sản phẩm nông sản thực phẩm. Đồng Nai là 1 trong 8 tỉnh/thành phố được phân công tiên phong triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trường Giang, từ năm 2020, tỉnh triển khai 2 dự án là quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật.
Về dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật đến nay, toàn tỉnh có gần 1.200 cá nhân, tổ chức tham gia gồm: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, cơ sở giết mổ heo, thương nhân thu mua heo, cơ sở chăn nuôi, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, bếp ăn trường học.
Lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 47.500 con lợn được truy xuất nguồn gốc. Dự án quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có gần 1.800 trang trại chăn nuôi đăng ký, khai báo, xác nhận trên phần mềm.
Quản lý chặt sản xuất, chế biến
Nâng cao và giữ vững chất lượng nông sản là một trong những yếu tố cạnh tranh hiệu quả hiện nay. Chất lượng nông sản cao và có truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưu tiên lựa chọn tiêu thụ.
Ông Trần Đình Minh chia sẻ, không ngừng hoàn thiện về chất lượng và mẫu mã, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo triển khai thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền đầu tư xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ qua các tiêu chí sản phẩm như: tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, OCOP, mã số vùng trồng…
Tính đến nay, toàn tỉnh có 85 đơn vị được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ, với diện tích khoảng 2.800 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất an toàn, tăng 717 ha so năm 2022 (trong đó 25,3 ha đạt chứng nhận hữu cơ).
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 ha cây trồng. Có 131 sản phẩm có nhãn hiệu hàng hóa, 204 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao. Có 170 vùng trồng và 86 cơ sở đóng gói được cấp mã số phục vụ xuất khẩu (Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand). Riêng thị trường Trung Quốc có 133 vùng trồng, gồm 40 vùng sầu riêng, diện tích 1.900 ha; 18 vùng xoài, diện tích hơn 9.000 ha; 22 vùng chôm chôm, diện tích hơn 6.900 ha; 31 vùng chuối, diện tích 5.600 ha; 13 vùng mít, diện tích 2.200 ha.
Không riêng trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai cũng có nhiều đột phá trong khẩu quản lý chế biến. Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư. Đồng Nai cũng thuộc tốp đầu cả nước về lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi với khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm; trong đó, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn C.P. (Thái Lan), Cargill (Mỹ), CJ (Hàn Quốc), De Heus (Hà Lan), Haid (Singapore), Emivest (Malaysia)... Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi nội tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45.000 tấn nguyên liệu tươi.
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm đều thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Các sản phẩm chế biến rất đa dạng như: giò chả, chà bông, xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói... Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu đi các nước, trong đó có cả những thị trường "khó tính" như Nhật Bản, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm GC (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom), đầu tư chế biến sâu mới là bài toán đầu ra bền vững cho nông sản, nên công ty đã nghiên cứu chế biến sâu một số loại nông sản thế mạnh của Việt Nam như: cà phê, nha đam, thạch dừa... Hiện sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới; trong đó, có những thị trường yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản... Công ty đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra cho nông dân với giá tốt để xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến.
Bài cuối: Xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc sản