Trước đây, cây điều được coi là "cây xóa đói giàm nghèo", nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Song, việc sản xuất điều còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, sâu bệnh hại, giá phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật… Những năm gần đây, vụ điều rất khó khăn với nông dân trên địa bàn huyện do ảnh hưởng hạn hán kèo dài, mất mùa lại mất giá khiến đời sống người dân gặp khó khăn.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng - Nguyễn Huy Long, năng suất điều niên vụ 2023 - 2024 bình quân đạt khoảng 8,9 tạ/ha, giảm 1,08 tạ/ha so với niên vụ điều 2022 - 2023. Một số xã năng suất đạt thấp như xã Phú Sơn, Thọ Sơn, Đồng Nai. Tuy nhiên, nhiều địa bàn vẫn có vườn điều được chăm sóc bón phân, xịt thuốc đúng thời điểm đạt năng suất khoảng từ 25 - 30 tạ/ha.
Điển hình hộ gia đình ông Phạm Vân (thôn 7, xã Phước Sơn) đã chủ động chăm sóc vườn điều nên bị ảnh hưởng của thời tiết không đáng kể. Theo ông Phạm Vân, cây điều phụ thuộc vào thời tiết rất lớn. Do đó, để cây điều có năng suất cao thì người trồng điều phải chăm sóc tốt từ ban đầu như: tỉa cành, tạo tán, dùng phân hữu cơ để cây phát triển tốt. Ngoài ra, khi có sâu bệnh phải phòng trừ kịp thời, đúng thời điểm để cây cho năng suất cao nhất, giảm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết.
Tương tự, vườn điều của hộ bà Nguyễn Thị Trường (thôn Bình Tiến, xã Nghĩa Bình) cho năng suất đạt trên 30 tạ/ha. Với cách canh tác hữu cơ đã giúp gia đình bà Trường có năng suất ổn định. Việc trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ đã giúp cho cây trồng luôn phát triển tốt và năng suất ổn định.
Để tăng năng suất, sản lượng điều bền vững, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc trồng mới, tái canh và thâm canh vườn điều, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, canh tác hợp lý trên từng diện tích.
Đặc biệt, hướng dẫn vận động nông dân mạnh dạn đầu tư theo hướng hữu cơ, chăm sóc từng giai đoạn phát triển của cây, ứng dụng chăm sóc sức khỏe cây trồng tổng hợp; xây dựng mô hình nông dân hướng dẫn nông dân; đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất giỏi, bền vững, chú trọng đến chất lượng và sự an toàn thực phẩm. Đồng thời, kịp thời nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất, tâm tư nguyện vọng của người dân để có những giải pháp phát triển bền vững.
Cùng đó, huyện đầu tư các công trình thủy lợi nhằm giữ mạch nước ngầm và cung cấp nguồn nước cho cây trồng. Trước mắt, địa phương có cơ chế để đầu tư những công trình thủy lợi nhỏ theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước góp phần tích trữ nguồn nước khắc phục khi hạn hán xảy ra. Ngoài ra, kết hợp đầu tư hạ tầng như giao thông, điện… để người dân đảm bảo điều kiện sản xuất, giao thương thuận tiện.
Bên cạnh đó, địa phương còn tiếp tục phát triển các hợp tác xã, Tổ hợp tác, để người nông dân thực sự tham gia vào liên kết chuỗi giá trị hạt điều từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu mua và chế biến xuất khẩu; thúc đẩy phát triển cơ giới hóa và ưu tiên đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc chú trọng mã vùng trồng sẽ bán được sản phẩm với giá hợp lý, từ đó nâng cao doanh thu và gia tăng lợi nhuận.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng Trần Văn Phương, để tăng năng suất, sản lượng điều cần thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp gắn với sự hình thành và phát triển các nhà máy chế biến điều nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng cao. Kết hợp với phát triển các sản phẩm nông sản, đặc sản dưới tán điều và đẩy mạnh phát triển thương hiệu “Hạt điều Bình Phước”, theo hướng đặc sản, đa giá trị, đa sản phẩm; giảm áp lực cạnh tranh của hạt điều nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu, tiêu dùng trong nước.
Ở góc độ ngành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đăng - Nguyễn Huy Long cũng cho biết, với thực trạng sản xuất điều như hiện nay, đơn vị phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã chú trọng việc hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền triển khai các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của cây điều như: Giai đoạn trước ra hoa, giai đoạn ra trái non, giai đoạn thu hoạch và sau thu hoạch cũng như theo dõi kịp thời tình hình thời tiết, tình hình sâu bệnh hại để trực tiếp hướng dẫn nhân dân có biện pháp chăm sóc phù hợp.
Địa phương từng bước thực hiện tái canh các giống điều có năng suất cao, chất lượng hạt tốt phù hợp với điều kiện thời tiết thổ nhưỡng tại địa phương, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hướng dẫn, vận động nông dân đảm bảo đủ điều kiện để trồng xen cây cà phê, tiêu, cây dược liệu dưới tán điều nhằm giảm thiểu những rủi ro do biến động thời tiết, sâu bệnh, giá cả, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Huyện cũng đẩy mạnh sản xuất điều sạch theo hướng hữu cơ organic, tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, sản xuất điều theo quy trình hữu cơ, huyện có 4 hợp tác xã với 1.143 ha sản xuất quy trình hữu cơ tại xã Đắk Nhau, Đồng Nai, Phước sơn và xã Đường 10. Có 2 sản phẩm điều của huyện được công nhận sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Như Hoàng, xã Thọ Sơn và của công ty GREEN LOTUS - xã Đức Liễu. Ủy ban nhân dân huyện cùng với Hội nông dân hàng năm tổ chức phong trào tuyên dương các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, nhằm nhân rộng mô hình sản xuất điều có năng suất cao trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, huyện còn thành lập các nhóm zalo để kịp thời chỉ đạo, nắm bắt nhanh tình hình sản xuất tại địa phương, đồng thời thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, các mô hình sản xuất điều hiệu quả kinh tế được chia sẻ học hỏi kinh nghiệm.