Tăng giá trị trên diện tích sản xuất - Bài 1: Tìm cách cạnh tranh

Sản xuất nông nghiệp và tìm cách tăng giá trị sản phẩm trên một diện tích sản xuất là cách thức nhiều nông dân đang thực hiện. Tuy nhiên, để tạo nên hiệu quả cao, người nông dân phải phối hợp nhiều yếu tố hiện có, thậm chí phải tự tìm tòi hoặc liên kết với nhiều cơ quan, đơn vị để có được phương án tăng giá trị sản phẩm vừa tối ưu, vừa bền vững.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp thu mua sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN

Bài 1: Tìm cách cạnh tranh

Với xu thế hội nhập hiện nay, thông tin sản phẩm nông sản luôn được nhà cung ứng cung cấp đầy đủ cho người tiêu dùng thông qua mã số truy xuất nguồn gốc. Do đó, nông dân muốn sản phẩm của mình được người tiêu dùng nắm rõ thông tin và đưa ra lựa chọn thì phải đảm bảo yếu tố chất lượng, cạnh tranh trên mỗi sản phẩm.

Tranh thủ thị trường

Nông dân Việt Nam nói chung, nông dân khu vực phía Nam nói riêng hiện nay vốn đã hiểu được sự lưu thông của thị trường, những đòi hỏi của người tiêu dùng và các yếu tố lựa chọn hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu, nên luôn có chí cầu tiến, sẵn sàng làm theo yêu cầu của thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản mình làm ra.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn, đến nay, Việt Nam đã có 11 loại trái cây, nhiều loại thủy sản, lúa gạo... được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thị trường Mỹ cũng đang dần công nhận các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như: cá tra, tôm hữu cơ, sầu riêng, bưởi, thanh long... 

Chính sự xét duyệt của các thị trường này đã tạo động lực cạnh tranh cho nông dân. Gần đây nhất là Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phê duyệt, cấp mã số vùng trồng cho trái bưởi Ninh Thuận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng, thiết lập được mã số vùng trồng sẽ là "hộ chiếu" để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch. 

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, bưởi là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận được Bộ Nông nghiệp Mỹ phê duyệt và cấp mã số vùng trồng có ký hiệu PB.32.02.01.001 với diện tích 23 ha, thuộc xã Phước Bình, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/6/2023.

Để có thể duy trì mã số này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện giám sát để đảm bảo vùng trồng này luôn duy trì tình trạng tuân thủ quy định của nước nhập khẩu; kiểm tra thực tế và gửi báo cáo giám sát về cơ quan Bảo vệ thực vật trong thời gian 90 ngày, trước vụ thu hoạch tiếp theo để làm căn cứ duy trì mã số; đồng thời, hướng dẫn và giám sát đại diện vùng trồng thông tin công khai cho tất cả các hộ dân trong vùng trồng biết về tình trạng phê duyệt và sử dụng mã số vùng trồng này.

Hoặc với trái bưởi Bến Tre, đến cuối năm 2022, tỉnh Bến Tre đã được cấp 25 mã số vùng trồng đi vào thị trường châu Âu và Mỹ. Với những mã vùng trồng này, trái bưởi da xanh Bến Tre được sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây cho biết, với tiềm năng thị trường xuất khẩu hiện nay, nông dân Bến Tre đã tăng cường đầu tư sản xuất để nâng cao số lượng bưởi đạt chuẩn xuất khẩu. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho trái bưởi Việt Nam tại thị trường quốc tế, cũng chính là sự cạnh tranh của nông dân trồng bưởi, duy trì sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Liên kết chuỗi

Một điều tất yếu để có thể tồn tại và phát triển của nông dân Việt Nam trong xu thế cạnh tranh gay gắt hiện nay, đó là phải liên kết sản xuất và tiêu thụ với các đơn vị doanh nghiệp trong nước, hoặc có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ngoài. 

Nói về liên kết chuỗi, từ nhiều năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên truyền, kêu gọi nông dân thực hiện các mối liên kết liên quan đến sản xuất và tiêu thụ, từ vật tư nông nghiệp đầu vào đến đầu ra hàng hoá. Có như vậy, hệ thống sản xuất của nông dân mới được kiện toàn. 

Tại Ninh Thuận, vùng đất đầy gió, nắng và cát nhưng ngành nông nghiệp lại có nhiều khởi sắc trong những năm qua đều nhờ liên kết chuỗi, tạo giá trị lớn.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận đã có những bước chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình liên doanh liên kết trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các mô hình liên kết sản xuất đã góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm ở nông thôn, tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp. 

Điển hình của sự gia tăng giá trị nông sản thông qua liên kết chuỗi này, ông Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam miền Trung cho biết, đứng trước thị trường nhiều tiềm năng, nhưng cũng đầy thách thức, hợp tác xã đã năng động tìm được hướng đi riêng, xây dựng khu nông trại nhà kính 2 ha, liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới. Hợp tác xã cam kết cung ứng một phần đầu vào đáp ứng số lượng, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm mà nông dân đăng ký cùng liên kết sản xuất với giá ổn định.

Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng triển khai mô hình mẫu đáp ứng yêu cầu để nông dân tham quan tìm hiểu, cùng hợp lại trong chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. 

Hợp tác liên kết để tạo ra nguồn nguyền liệu ổn định cho tiêu thụ, đặc biệt là tiêu thụ cũng ứng các hợp đồng xuất khẩu là điều tất yếu. Chính vì vậy, các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở xuất khẩu nông sản rất quan tâm đến chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản này.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua trái cây xuất khẩu Hương Miền Tây, Bến Tre chia sẻ, nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp là điều tất yếu. Đây là mối liên kết có lợi cho cả hai bên. Phía nông dân được xem như có một đơn vị bảo chứng tiêu thụ dù thị trường xảy ra biến động thừa hay biến động giá giảm.

"Còn phía doanh nghiệp, đơn vị liên kết thu mua được bảo chứng nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng như mong muốn để đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Xu thế cạnh tranh thị trường và cạnh tranh chất lượng hiện nay rất khốc liệt. Nếu không có sự đảm bảo của cả hai phía, thì cả hai đều khó tồn tại. Như vậy có thể nói, muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng không bền vững, muốn đi xa thì các đơn vị mắt xích của chuỗi phải đi cùng nhau, cùng bảo vệ lợi ích cho nhau mới có thêm nhiều cơ hội phát triển", ông Đàm Văn Hưng cho hay. 

Bài cuối: Bài toán nhiều nông dân mong muốn

Trinh Hoàng Nhan (TTXVN)
Tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp
Tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Tăng cường liên kết và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng trong chuyến thăm, động viên hoạt động sản xuất nông nghiệp đầu xuân tại một số doanh nghiệp, hợp tác xã chiều ngày 2/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN