Gia đình anh Hồ Hoàng Kha, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ có 6ha, với hơn 1.500 cây bưởi, trong số đó, có 20% cây bưởi đã bị nhiễm bệnh nặng.
Quan sát tại vườn bưởi của gia đình anh Kha, phóng viên nhận thấy nhiều cây bưởi đã trồng lâu năm, đang cho trái nhưng cây đang bị suy kiệt, lá rụng đầy gốc, cành bị khô, trái bị một loại rệp tấn công chuyển sang màu nâu sẫm, các lá bưởi thì rệp bám dính chặt và chi chít ở cả 2 mặt khiến các lá của cây bưởi sần sùi, vàng vọt.
Anh Kha cho biết, vườn bưởi nhà anh bị rệp tấn công cách đây gần 2 tháng, đến nay mẫu mã cũng như chất lượng trái của bưởi của vườn đang bị ảnh hưởng nặng nề, giá bán vì thế mà rớt xuống thấp. Tuy nhiên, điều anh lo ngại nhất là chỉ còn 1 tháng nữa là các nhà vườn chuẩn bị bước vào xử lý vụ bưởi Tết, nếu việc xử lý, khống chế rệp không hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến vụ thu nhập chính của người dân cũng như sự phát triển của cây bưởi.
Ngay sau khi vườn bưởi bị rệp tấn công, anh Kha cũng đã xử lý bằng nhiều cách, kể cả theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Phú Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa khống chế được loại rệp này, mà lại đang có dấu hiệu lây lan ra rất nhanh.
Vườn bưởi của gia đình bà Nguyễn Thị Đậm, ngụ xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ khoảng 1 tháng nay cũng đang trong tình trạng bị rệp tấn công, ảnh hưởng rất nhiều đến cây cũng như trái bưởi.
Hiện gia đình bà Đậm có 1,5ha, với 250 cây bưởi thì có đến 200 cây đã bị rệp tấn công tùy theo mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Chính vì vậy, lứa bưởi đang thu hoạch khiến giá đã bị rớt xuống hơn 50% so với bưởi bình thường. Cụ thể, hiện nay bưởi không bị rệp tấn công thương lái đang thu mua của gia đình bà 25 nghìn đồng/kg, số bị rệp khiến trái chuyển màu nâu sẫm thương lái chỉ thu mua với giá 10 nghìn đồng/kg.
Bà Đậm chia sẻ, vụ bưởi gia đình bà đang thu hoạch chỉ được khoảng hơn 6 tấn. Tuy nhiên, do rệp tấn công bà đã bỏ khá nhiều chi phí để xử lý, nhưng không mấy hiệu quả nên vụ bưởi này gia đình bà không có lãi, may mắn lắm thì hòa vốn.
Bà Đậm buồn rầu cho biết, bà đã phun xịt rất nhiều loại thuốc và làm nhiều cách như lấy vòi nước rửa cho cây bưởi nhưng cũng không hết, rệp ngày một nhiều bám chặt trên các lá, cành cây bưởi khiến cây bưởi bị suy kiệt, lá rụng đầy gốc, cành khô héo, trái sần sùi, rệp bám đầy trái chuyển thành màu nâu sẫm khiến trái bưởi mất đi vị ngọt thanh.
Bà Đậm mong muốn, ngành nông nghiệp tỉnh sớm hỗ trợ, có hướng dẫn cụ thể cho người trồng bưởi có hướng xử lý triệt để loài rệp này, để giúp người dân nhanh chóng “cứu” lại vườn bưởi. Nếu tình trạng này kéo dài nguy cơ người dân bị xóa sổ vườn bưởi là rất cao.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài, đến nay hợp tác xã có hơn 200ha trồng bưởi thì hầu như vườn nào cũng bị rệp vảy ốc tấn công, ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Điều này khiến người trồng rất lo lắng vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển cũng như chất lượng, mẫu mã của cây và trái bưởi.
Theo Trạm Khuyến Nông thị xã Phú Mỹ, loại rệp đang tấn công trên cây bưởi ở xã Sông Xoài cũng như một số vườn bưởi ở các địa phương khác của tỉnh là loài rệp vảy ốc. là một trong những loài gây hại phổ biến trên cây có múi. Rệp vảy ốc tập trung chủ yếu ở các bộ phận lá, ngọn non, cành, trái…
Loài rệp này khi tấn công cây bưởi sẽ hút chất dinh dưỡng làm cho lá không quang hợp được, cây sinh trưởng chậm, có thể làm cành cây khô héo rồi chết, trái có mẫu mã xấu.
Rệp này có hình tròn như vẩy ốc, kích thước của loại rệp nhỏ, xung quanh màu xám, ở giữa có màu hồng đỏ, phía dưới có lớp bám dính vào lá cây để hút dinh dưỡng. Rệp non mới nở có thể di chuyển được. Sau khi tìm được nơi dinh dưỡng thích hợp thì cố định sẽ lột xác chuyển tuổi và tiết sáp tạo thành vảy. Rệp non mới nở có thể bị gió chuyển sang các cành hoặc cây bên cạnh.
Trạm Khuyến Nông thị xã Phú Mỹ cho biết đã cử cán bộ xuống tận vườn hướng dẫn người dân cách phòng trừ, nhưng có thể do người dân chưa thực hiện đúng như hướng dẫn nên rệp vảy ốc vẫn đang lây lan trên diện rộng. Trạm cũng khuyến cáo bà con các biện pháp phòng trừ như cắt tỉa vệ sinh vườn thông thoáng, điều khiển các đợt lộc ra tập trung để hạn chế sự phát triển và gây hại của rệp muội.
Bên cạnh đó, bà còn cần bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch như bọ rùa, kiến vàng… trong vườn phát triển. Khi rệp vảy ốc nhiều cần phun thuốc để phòng trị. Bà con dùng thuốc Dầu khoáng DC-Tronc Plus hoặc chất bám dính kết hợp với các loại thuốc có hoạt chất như Spirotetramat (Movento 150OD), sulfaxaflor (Closer 500WG), Permethrin, Profenofos (Checksau TSC 500EC), Isoprocarb, imidacloprid (Tiuray TSC 350WP), Buprofezin, Abamectin, Emamectin…, nên sử dụng luân phiên các hoạt chất để hạn chế kháng thuốc. Bà con phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày và lưu ý khi phun thuốc cần phun nước với áp lực mạnh trước, sau đó phun thuốc kỹ từ trong tán phun ra và phun ướt đều cành, tán, lá cây…