Được thành lập từ năm 2006, JTEC là cơ chế hợp tác quan trọng nhằm trao đổi, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, được tổ chức luân phiên tại mỗi nước, định kỳ hai năm một lần. Tại cuộc họp, hai bên nhất trí rằng quan hệ kinh tế song phương đã phát triển mạnh mẽ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2020 và hoan nghênh những tiến triển trong việc tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp như chanh và bưởi Việt Nam, bí và dâu tây New Zealand theo thỏa thuận đạt được vào cuối năm ngoái.
Bên lề Kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Vangelis Vitalis về kết quả Kỳ họp lần thứ 8 của JTEC và triển vọng hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam và New Zealand.
Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả đạt được sau Kỳ họp lần thứ 8 JTEC? Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa hai nước về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực liên quan kể từ Kỳ họp lần thứ 7 của JTEC năm 2020?
Chúng tôi đã có một Kỳ họp hiệu quả và đây luôn là sự kiện rất quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và New Zealand. Tại Kỳ họp lần này, chúng tôi tập trung vào những vấn đề thiết thực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân hai nước, bởi đó là cách tốt nhất chúng ta có thể hỗ trợ dòng chảy thương mại.
Chúng tôi đã thảo luận về một số thủ tục hải quan của cả hai bên để giúp các doanh nghiệp Việt Nam và New Zealand xuất khẩu qua lại dễ dàng hơn. Chúng tôi đề cập về sự cần thiết phải có chứng nhận điện tử và thiết lập một quy trình để có thể kiểm tra lẫn nhau trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là điều mà hai chính phủ đều nhất trí là rất quan trọng.
Điều mà tôi muốn thực sự nhấn mạnh là cam kết nâng tổng giá trị trao đổi thương mại song phương lên 2 tỷ USD mà các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt ra cho mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam- New Zealand. Việc hoàn tất quá trình mở cửa thị trường đối với quả chanh và bưởi của Việt Nam, bí và dâu tây của New Zealand vào cuối năm 2022 đã cho thấy nỗ lực đó, giúp chúng ta hướng gần hơn tới mục tiêu này. Chúng tôi đều đồng ý rằng hai nước cần cùng nhau tìm cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những loại hình thương mại như vậy.
Liệu còn vấn đề tồn tại nào từ Kỳ họp thứ 7 chưa được giải quyết không thưa ông? Và các vấn đề đó có thể được giải quyết tại cuộc họp thứ 8 hoặc sau đó hay không?
Điều thực sự tích cực là chúng tôi đã giải quyết các vấn đề tại Kỳ họp lần thứ 7, chúng tôi đã thiết lập một quy trình có ý nghĩa để chanh, bưởi của Việt Nam và bí, dâu tây của New Zealand có thể xuất khẩu sang lẫn nhau. Kỳ họp lần này là về các vấn đề mới như cải thiện chứng nhận điện tử, có hay không nên thiết lập một hệ thống kiểm duyệt mới để thúc đẩy nhiều hơn các giao dịch thương mại giữa hai nước. Như vậy có nghĩa là mọi thứ đang tiến triển, chứ không phải giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Như vậy là vào tháng 11/2022, trái bưởi và chanh của Việt Nam đã chính thức được phép nhập khẩu vào New Zealand. Ông có thể chia sẻ về việc thị trường New Zealand đón nhận thông tin này như thế nào và liệu trái cây Việt Nam có cạnh tranh được với các loại trái cây của New Zealand?
Thủ tướng New Zealand đã từng nói rất hay rằng trái cây chính là "thực phẩm vàng" mà Việt Nam đã sản xuất ra cho chúng ta. New Zealand không trồng được các loại chanh với chất lượng như Việt Nam. Chúng tôi chắc chắn không thể trồng bưởi. Và tôi nghĩ rằng đất nước các bạn cũng không thể trồng dâu tây và bí theo cách mà chúng tôi làm. Và vì vậy chúng ta đang bổ sung cho nhau. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, chúng tôi có thể gửi sang Việt Nam những sản phẩm mà chúng tôi có thể phát triển tốt như trái kiwi và táo, còn Việt Nam sẽ gửi sang New Zealand những sản phẩm là thế mạnh của các bạn, ví dụ như trái cây nhiệt đới và các loại hạt. Điều đó có lợi cho người dân New Zealand vì họ sẽ được mua sản phẩm chất lượng cao với giá rất tốt. Và tôi hy vọng đối với người tiêu dùng Việt Nam, họ sẽ được thưởng thức nhiều loại táo New Zealand hơn, tất nhiên là loại tốt nhất trên thế giới, và kiwi, cùng các nông phẩm khác. Trong khi đó, các nông phẩm của Việt Nam cũng có uy tín rất lớn trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực trái cây, với vị ngon và chất lượng cao.
Việt Nam và New Zealand đều là thành viên của các hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới như CPTPP, RCEP và AANZFTA. Theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể tận dụng hiệu quả nhất các cơ chế hợp tác và ưu đãi mà các hiệp định này mang lại, nhất là khi New Zealand đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng luân phiên của CPTPP? Đâu là những lĩnh vực then chốt mà hai nước có thể tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư?
Tôi tin rằng tiềm năng thương mại giữa hai nước sẽ còn phát triển. New Zealand không chỉ muốn xuất khẩu thịt, các chế phẩm từ thịt và trái cây vào Việt Nam. Tương tự, Việt Nam không chỉ muốn xuất khẩu bưởi và chanh vào New Zealand. Trong tương lai, chúng ta sẽ còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực giao thương khác nữa. Ví dụ, New Zealand có thể xuất khẩu các sản phẩm phần mềm quản lý y tế cho các bệnh viện Việt Nam. Chúng ta biết rằng Việt Nam có rất nhiều kỹ sư xây dựng lành nghề và New Zealand, thông qua thỏa thuận khu vực thương mại tự do đã ký kết với ASEAN (AANZFTA), có thể tiếp nhận kỹ sư của Việt Nam sang làm việc tại nước chúng tôi. Do vậy, chắc chắn trong tương lai gần sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển trên nhiều khía cạnh, giúp thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - New Zealand.
Giáo dục cũng là một lĩnh vực lớn, mở ra nhiều cơ hội cho cả hai phía. Tôi vừa có buổi gặp mặt các bạn sinh viên đại học Việt Nam và thật ngạc nhiên khi tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm và câu hỏi từ các bạn. Có một sự kết nối rõ ràng từ các bạn sinh viên và đây là tương lai trong mối quan hệ của chúng ta. Ví dụ New Zealand có mối quan hệ được đặc biệt với trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), chúng tôi có một số chương trình liên kết, các học bổng, khóa học trong một số lĩnh vực trọng yếu mà chúng tôi có thể cung cấp với mức giá hợp lý nhưng chất lượng cao. Đây là một phần rất quan trọng trong mối quan hệ của chúng ta. Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden đến Việt Nam vài tháng trước và đã đánh giá giáo dục là lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ hai nước. New Zealand có thể cung cấp các khóa đào tạo cho Việt Nam, trong khi Việt Nam có thể hưởng lợi từ nền giáo dục chất lượng cao của New Zealand.
Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam?
Môi trường Việt Nam đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn cho chúng tôi. Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh từ những nước khác như Australia, Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU). Trong tương lai chúng tôi biết rằng chúng tôi phải nắm bắt thời cơ nhiều hơn, tăng cường tiếp xúc với khối ASEAN và chúng tôi sẽ hiện diện ở Việt Nam nhiều hơn.
Nhưng chúng tôi biết rằng các nước khác cũng mong muốn như vậy. Vì thế chúng tôi sẽ phải thể hiện sự vượt trội so với họ để đảm bảo rằng New Zealand sẽ trở thành một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ không thể trở thành nhà đầu tư lớn ở tất cả các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, nhưng chúng tôi sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chất lượng cao, có thể giúp mang lại những thay đổi tích cực trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Đây là những kĩnh vực mà New Zealand có thể đóng góp mạnh mẽ cho Việt Nam, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho chính New Zealand.
Xin cảm ơn ông!