Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả 

Tại Hà Nội, ngày càng có nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển kinh tế tập thể ở địa phương, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của hội viên, nông dân…

Chú thích ảnh
Nông dân Chương Mỹ (Hà Nội) trồng rau quả theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Với sự đồng hành của Hội Nông dân huyện Chương Mỹ, nhiều mô hình hợp tác xã, chăn nuôi trên địa bàn đã ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập của nhiều lao động địa phương luôn ổn định và ngày càng đi lên.

Chuyển đổi số - chìa khóa phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Được thành lập năm 2016, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ là đơn vị tiên phong của Hà Nội trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác. Các sản phẩm rau quả sạch của Hợp tác xã được tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập khá cho các thành viên.

Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, ông Hoàng Văn Thám và một số nông dân trong huyện đã đồng lòng thành lập Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn. Từ vài ba hộ ngày mới thành lập, đến nay, thành viên của hợp tác xã đã tăng lên 40 hộ. Ông Thám được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã.

Trong nhiều năm nỗ lực học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, Hợp tác xã đã xây dựng được vùng rau quy mô gần 18ha được chứng nhận VietGAP và 5ha sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều thực hiện theo kỹ thuật công nghệ tiến tiến mà ông Thám cùng các thành viên Hợp tác xã lĩnh hội được từ những chuyến học tập kinh nghiệm canh tác nông nghiệp ở Nhật Bản.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám, Hợp tác xã đã chuyển đổi số trong hai lĩnh vực: Ứng dụng Trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ số eGap trên 17,8ha trồng rau, củ, quả... Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Cụm công nghệ số eGap giúp Hợp tác xã truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Nhờ khai thác hiệu quả việc chuyển đổi số, sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt tại các bếp ăn trường học, siêu thị lớn với giá bán ổn định hơn nhiều so với tiêu thụ tại chợ truyền thống.

Từ thành công bước đầu, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục đầu tư hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử có xác nhận chất lượng eGap trên tem, nhãn sản phẩm.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trên diện tích canh tác. Quy trình nghiêm ngặt, giữ gìn chữ tín, chúng tôi tin rằng đầu ra cho sản phẩm sẽ luôn ổn định và ngày càng được mở rộng”, ông Hoàng Văn Thám bày tỏ.

Ông Tống Văn Thái, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, trên địa bàn hiện có nhiều hợp tác xã trồng lúa, rau, hoa thuộc các xã Đồng Phú, Thụy Hương, Nam Phương Tiến... đã lắp đặt hệ thống camera giám sát trên cánh đồng, giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất. Các camera ghi lại, lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Nhiều trang trại chăn nuôi ở các xã Lam Điền, Đông Sơn, Thanh Bình... đã lắp đặt hệ thống làm mát chuồng nuôi tự động, có điều khiển nhiệt độ, cấp thức ăn và nước uống tự động cho vật nuôi.

“Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn sử dụng mạng internet để tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao và chủ động quan tâm tới thương mại điện tử, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp...”, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái chia sẻ. 

Trứng gà cà gai leo - sản phẩm độc đáo 

Mặc dù có giá không hề rẻ, lên tới 10.000 đồng/quả nhưng sản phẩm trứng gà cà gai leo vẫn được rất nhiều người tìm mua bởi tính an toàn và độ thơm ngon của nó. Đó chính là sản phẩm của Công ty Cổ phần công nghệ cao Thăng Long (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) do ông Phan Trung Kiên là nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trang trại nuôi gà đẻ trứng của ông Phan Trung Kiên có phương pháp nuôi gà rất lạ. Gà trong trang trại được nghe nhạc không lời từ lúc 6 giờ đến trưa. Khi gà ngủ trưa, nhân viên sẽ tắt nhạc và đến đầu giờ chiều lại bật cho gà nghe. Các góc chuồng gà đều được trang bị hệ thống loa để có thể truyền tải rõ nét âm thanh tới mọi khu vực chuồng nuôi.

Theo ông Lê Đình Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ cao Thăng Long, năm 2015, ông và ông Kiên bắt đầu trồng những cây dược liệu để chế biến các sản phẩm phục vụ sức khỏe của con người, trong đó cây chủ lực là cây cà gai leo. Sau nhiều lần làm việc với các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Ban lãnh đạo Công ty biết được ở đất nước của họ có một loại trứng gia cầm được nuôi bằng thảo dược và hoàn toàn không sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, dược liệu không nhiều và phong phú như Việt Nam nên quả trứng có giá rất cao.

Chú thích ảnh
Sản xuất trà dược liệu của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Từ đó, ý tưởng tạo dựng một thương hiệu thực phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt đã hình thành. Đến tháng 6/2020, Công ty bắt đầu nuôi gà ăn thức ăn được chế biến hoàn toàn từ các loại dược liệu chứ không ăn thức ăn công nghiệp. Gà được ở trong môi trường sạch, mát mẻ và được nghe nhạc, được ngủ trưa. Những con gà nào không tồn tại được sẽ bị loại chứ không dùng thuốc kháng sinh để chữa.

"Chúng tôi đã mang những quả trứng đầu tiên đi kiểm tra, đánh giá. Kết quả cho thấy, hàm lượng cholesterol trong trứng rất thấp, thậm chí là thấp nhất thế giới. Khi ăn, trứng rất thơm, không tanh, trong quả trứng không hề tồn tại kháng sinh. Trong khi đó, giá một quả trứng không quá cao, chỉ khoảng hơn 8.000 đồng vào thời điểm năm 2020”, ông Lê Đình Bình chia sẻ.

Bà Mai Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần công nghệ cao Thăng Long cho biết, sau hơn 2 năm áp dụng chăn nuôi gà bằng thảo dược, thương hiệu “Trứng gà cà gai leo Sadu” được kiểm nghiệm, chứng nhận là thực phẩm sạch, an toàn đạt chuẩn VietGAP. Hiện nay, Công ty bán ra thị trường khoảng 6.000 quả trứng/ngày. Trứng gà cà gai leo Sadu hiện được bày bán ở các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội và một số địa phương với mức giá khoảng 10.000 đồng/quả; là sản phẩm OCOP 4 sao có mặt tại nhiều hội nghị lớn của quốc gia và thành phố Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ, Hội đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia vào các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tập hợp, thu hút những cán bộ, hội viên làm kinh tế giỏi có tâm huyết giúp đỡ hội viên nông dân vượt khó, có ý tưởng làm hay, cách làm sáng tạo, cách thức tổ chức mô hình, hành động mới tham gia và thực theo nguyên tắc 5 tự: Tự nguyện - tự giác - tự chủ - tự quản - tự chịu trách nhiệm và 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - cùng mối quan tâm - cùng có sự chia sẻ - cùng trách nhiệm - cùng hưởng lợi.

“Hiện, các mô hình của huyện đã và đang duy trì hoạt động phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa các thành viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh như: Chi hội nghề nghiệp Mộc và điêu khắc thôn Phù Yên (xã Trường Yên); Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; Tổ hội Mây tre giang đan thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa)...”, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm. 

Thông tin từ Hội Nông dân thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Hội Nông dân xây dựng 3 chương trình công tác và 6 đề án, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho rằng, kinh nghiệm để các chương trình, đề án của Hội thành công là ngay từ khâu xây dựng phải chi tiết, cụ thể gắn với các nhiệm vụ ở các cấp cơ sở Hội đã triển khai tốt. Do đó trong thời gian tới, các cấp Hội, Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp cần huy động sức mạnh tập thể sớm xây dựng, triển khai các chương trình, đề án hiệu quả nhất.

Các cấp Hội đã phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, vận động nông dân đăng ký danh hiệu Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2023. Trong năm 2023, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo hướng dẫn thành lập và ra mắt được gần 30 chi Hội nông dân nghề nghiệp với gần 400 thành viên.

Các tổ hợp tác, hợp tác xã đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển kinh tế tập thể ở địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của hội viên, nông dân…

Nguyễn Cúc - Nam Giang (TTXVN)
'Bà đỡ' giúp nông dân phát triển kinh tế, làm giàu
'Bà đỡ' giúp nông dân phát triển kinh tế, làm giàu

Nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân được xem là “bà đỡ” giúp nhiều hội viên nông dân tại Nam Định có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và từng bước mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN