Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết: “Theo quy định, các hộ kinh doanh phải kê khai thuế trực tiếp, nghĩa là giá bán là giá đã có VAT và “du lịch phí” chỉ dành cho các dịch vụ khách sạn, du lịch, ăn uống. Loại phí này phải tính trước thuế VAT”. Thế nhưng, rất nhiều người tiêu dùng bị ăn chặn thuế VAT chỉ vì thiếu hiểu biết.
Anh Quốc Bảo, nhân viên một công ty trong ngành quảng cáo ở quận 1, cho biết: “Mỗi lần đi tiếp khách, chúng tôi đều xin hóa đơn về thanh toán cho công ty. Tuy nhiên, các nhà hàng đều yêu cầu chúng tôi phải chịu thêm 10% thuế VAT mới chịu xuất hóa đơn đỏ”.
Trong khi đó, chị Hà Linh, ngụ tại quận Tân Bình - TP.HCM, bức xúc: “Nhiều lần đi ăn ở các nhà hàng lớn như lẩu nấm K., cơm tấm C..., chúng tôi đều bị “chặt” thêm 10% thuế VAT mà không được báo trước. Thấy tổng số tiền vượt quá trên giá niêm yết, hỏi ra mới được nhà hàng giải thích cộng thêm 10% thuế VAT”.
Đáng nói hơn, nhiều người tiêu dùng bị tính thêm 10% VAT dù không yêu cầu hóa đơn. Theo tính toán của một chuyên viên kế toán doanh nghiệp, ví dụ một hóa đơn thanh toán là 500.000 đồng, theo quy định thì hóa đơn đó đã bao gồm thuế VAT là 50.000 đồng.
Nhưng trong trường hợp của anh Bảo và chị Hà Linh, các nhà hàng trên đã ăn chặn mất 100.000 đồng/hóa đơn.
Thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân phức tạp nên người tiêu dùng không mặn mà lấy hóa đơn đỏ. |
Chị Nguyễn Thị Kim Chi - nhân viên kế toán cửa hàng ăn uống ở quận 3, cho biết: “Thông thường, các cửa hàng tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp trực tiếp, chỉ có hóa đơn đầu ra (hóa đơn bán hàng thông thường) mà không có hóa đơn đầu vào.
Cơ quan thuế sẽ ấn định cho cửa hàng tỷ lệ phần trăm (%) GTGT tính trên doanh thu, để khi tính thuế GTGT phải nộp, chỉ cần lấy doanh thu nhân tỷ lệ % GTGT tính trên doanh thu. Và doanh thu sẽ căn cứ trên các hóa đơn bán ra.
Tuy nhiên, do doanh thu của các cửa hàng ăn uống khó quản lý, kiểm soát nên các cơ quan thuế sẽ ấn định mức doanh thu tối thiểu (tối đa không hạn chế) để tính thuế GTGT”.
Thực tế, có nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ, lẻ thực hiện nghiêm túc quy định tính thuế VAT trên giá niêm yết. Nếu sử dụng dịch vụ cà thẻ Visa hoặc Debit Card, người tiêu dùng sẽ thấy rõ việc tính thuế VAT trong mỗi hóa đơn thanh toán.
Tuy nhiên, không phải cửa hàng kinh doanh nào cũng nghiêm túc, “thật thà” trong việc niêm yết và thanh toán giao dịch; trong đó, phần lớn là các cửa hàng kinh doanh ăn uống. Điều này có nghĩa là cơ quan thuế thất thu một lượng tiền thuế VAT “ngoài luồng” mà không kiểm soát được.
Đáng nói hơn, rất nhiều người tiêu dùng không hề hay biết quy định về tính thuế, nên mặc cho người bán muốn tính thế nào tùy thích. Thậm chí, có người biết nhưng cũng đành bỏ qua vì nếu lấy hóa đơn về cũng chẳng biết sử dụng vào mục đích gì, dù mã số thuế cá nhân đã được áp dụng 1 năm nay.
Hiện thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân khá phức tạp nên người dân cũng không mặn mà lấy hóa đơn VAT khi chi tiêu. Bà Hương thừa nhận: “Hiện tại, cơ quan thuế vẫn chưa thực hiện giảm thuế cho người tiêu dùng khi có hóa đơn tiêu dùng”.
Chính vì vậy, nhiều cửa hàng đã lợi dụng kẽ hở này để mặc sức tính thêm thuế VAT, phí dịch vụ.
Cuối cùng, người tiêu dùng bị thiệt thòi vì bị tính thuế VAT 2 lần. Có lẽ, việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt là phương pháp tối ưu nhất để các cơ quan thuế có thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu ra của các doanh nghiệp; đồng thời, đem lại sự công bằng cho người tiêu dùng khi thanh toán các dịch vụ ăn uống, giải trí.
Hải Yên