Rất ít doanh nghiệp đạt chứng nhận
Hiện nay, chứng nhận thương mại công bằng (TMCB) đã được trao cho doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực cà phê, chè, thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, số DN được trao chứng nhận này còn rất ít.
Công ty cà phê Nguyễn Huy Hùng (tỉnh Kon Tum) là một trong hai DN cà phê đầu tiên đạt chứng nhận TMCB ở Việt Nam. Ông Đào Duy Tùng, Phó giám đốc công ty cho biết, khi các đối tác nước ngoài biết sản phẩm của công ty có chứng nhận TMCB thì khả năng kí kết hợp đồng thành công rất cao.
“Các nhà nhập khẩu của châu Âu và Mỹ ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa. Họ tin tưởng những DN có chứng nhận TMCB và hàng năm đều đến từng vườn cà phê, tổ hợp tác để kiểm tra, rà soát chất lượng”, ông Tùng cho biết.
Các sản phẩm ca cao đạt chứng nhận TMCB của HTX nông nghiệp huyện Eakar (Đắk Lắk). |
Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, những DN tham gia chương trình TMCB sẽ có nhiều lợi ích như được bán hàng với giá sàn ổn định, các tổ chức hộ nông dân nhỏ được đầu tư để cải thiện và phát triển hoạt động kinh doanh, có tiếng nói trong tổ chức Fairtrade... Tuy nhiên hiện nay, mới chỉ có 13 hợp tác xã và 2 DN xuất nhập khẩu cà phê được cấp chứng nhận này. Lượng cà phê xuất khẩu được chứng nhận TMCB chỉ khoảng 2.000 - 4.000 tấn/năm, quá ít so với cả triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm.
Không chỉ trong ngành cà phê mà trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ, các DN cũng chưa mặn mà với loại chứng nhận này. Hiện mới có 5 DN đạt chứng nhận này và 7 DN đang trong quá trình xin chứng nhận.
Ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, hiệp hội đã thực hiện khảo sát với các DN trong ngành và được biết, các khó khăn chính của DN là vốn đầu tư (53%), chi phí gia nhập (87%), quy trình phức tạp (66%), khó đáp ứng các tiêu chí (92%).
Theo ông Ngọc, các nhà nhập khẩu EU rất quan tâm đến hàng thủ công mỹ nghệ đạt TMCB trên thế giới với sức mua tăng khoảng 13%/năm, năm 2010 đạt 438 triệu euro. Do đó, cơ hội cho DN Việt Nam là rất lớn khi tham gia vào chương trình TMCB.
Tháo gỡ khó khăn cho DN
Chương trình TMCB là một chuỗi khép kín từ nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, DN chế biến, phân phối đến tay người tiêu dùng với các tiêu chuẩn rất chặt chẽ. Để tham gia chương trình này, DN hay các hợp tác xã phải đóng phí cho các tổ chức nước ngoài và được chứng nhận. Hằng năm, các tổ chức này đều cử người sang tận nơi để kiểm tra, nếu DN vi phạm sẽ bị dừng cấp chứng nhận.
TMCB là một nhãn hiệu, chứng nhận của hàng hóa và cũng là phong trào mang tính toàn cầu. Để được dán nhãn này, sản phẩm phải được sản xuất theo nguyên tắc thân thiện môi trường, phát triển bền vững, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các nhà sản xuất và người lao động. Theo thống kê của EU, doanh số tiêu thụ của các mặt hàng có nhãn TMCB ngày càng tăng, nhất là đối với cà phê, chè và hàng thủ công mỹ nghệ. |
Trong khi đó, các DN, hợp tác xã sản xuất chè, cà phê, thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, chưa có ý thức đầu tư bài bản, lâu dài. Ông Đào Duy Tùng, đại diện DN cà phê đã tự mày mò tìm hiểu quy trình cấp chứng nhận TMCB từ 7 - 8 năm trước cho biết: “Trong 1 - 2 năm đầu, DN cà phê thậm chí phải chấp nhận chưa bán được hàng mà vẫn phải đóng phí 100 triệu đồng/năm. Số tiền này với các tổ chức nước ngoài là không đáng kể, có khi chỉ đủ tiền để họ sang kiểm định chất lượng hàng hóa, tuy nhiên với các hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ thì lại là số tiền lớn”, ông Tùng cho hay.
Bên cạnh đó, các DN phải thực hiện quy trình thủ tục bằng tiếng Anh. Điều này đòi hỏi các DN phải am hiểu quy trình thương mại quốc tế và phải mất công cho các thủ tục dịch thuật, công chứng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN tham gia chương trình TMCB, dự án Xúc tiến TMCB tại Việt Nam do EU tài trợ với tổng ngân sách hơn 504.000 euro đã được triển khai từ tháng 6/2014 và kéo dài đến tháng 5/2017. Mục tiêu của dự án là phát triển và tăng cường khả năng kinh doanh TMCB ở Việt Nam tuân thủ các yêu cầu tiếp cận thị trường châu Âu.
TS Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Giám đốc dự án, cho biết sẽ trực tiếp làm việc với các hợp tác xã sản xuất cà phê, tiêu, ca cao để tìm hiểu tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã, từ đó giúp họ hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận TMCB. Dự án cũng sẽ tài trợ vốn để các DN, hợp tác xã đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe khi vào thị trường EU.
“Quy trình chứng nhận quốc tế hết sức minh bạch và cần có sự đầu tư cả về công sức, tiền bạc. Đây là một trong những rào cản khiến các DN không nghiêm túc thì khó đạt được chứng nhận. Dự án của chúng tôi sẽ hỗ trợ DN dần tháo gỡ những rào cản này”, đại diện dự án cho biết.
Còn theo ông Lê Bá Ngọc, cần khuyến khích hình thành mạng lưới TMCB Việt Nam để liên kết các DN cùng tham gia chương trình này, tạo nên sức mạnh tổng thể. Mặt khác, việc thành lập các tổ chức hỗ trợ phát triển TMCB với vai trò đào tạo, nâng cao năng lực cho DN và người lao động cũng rất quan trọng.
“EU rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế gắn với cơ hội của các thế hệ tương lai. Người tiêu dùng châu Âu ngày càng yêu cầu cao đối với hàng hóa, dịch vụ. Chứng nhận về TMCB cũng như nhãn sinh thái, chứng chỉ rừng bền vững, chứng chỉ biển... tuy không bắt buộc nhưng khi sản phẩm được chứng nhận sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn”. Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) |