Việc xây dựng nhiều mô hình “cánh đồng mẫu lớn” gắn với vùng nguyên liệu đã giúp An Giang tạo ra được vùng liên kết sản xuất lớn với tổng diện tích trên 8.500 ha. Mối liên kết này càng bền chặt bởi có sự tham gia của “4 nhà”. Đây là cơ sở để An Giang duy trì là một trong những địa phương sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu cả nước.
Cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 12%
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, An Giang đã sớm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo bằng mô hình liên kết “4 nhà”. Bằng chứng là tạo điều kiện và cơ chế để từ năm 2007, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm Jasmine 85 tại huyện Thoại Sơn và huyện Châu Thành theo hình thức công ty ứng giống, phân bón cho nông dân và mua lại lúa với giá cao hơn thị trường tới 300 đồng/kg.
”Cánh đồng mẫu lớn” là cơ sở để phát triển lúa gạo bền vững. |
Mới đây, Angimex tiếp tục liên kết với Công ty Kitoku - Nhật Bản sản xuất lúa Nhật có giá cố định theo hợp đồng ngay từ đầu vụ theo hình thức công ty cung ứng giống lúa japonica cho người nông dân, đến cuối vụ tiền thuốc bảo vệ thực vật sẽ được trừ vào tiền mua lúa. Vụ đông xuân 2011 - 2012, 950 ha diện tích lúa được hợp đồng giữa nông dân và công ty. Qua đó giúp người nông dân luôn giữ giá bán ổn định, yên tâm sản xuất.
Qua năm 2012, tỉnh An Giang đã quyết định mở rộng thêm 30 ha vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGap tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, nâng tổng diện tích GlobalGap toàn tỉnh lên 126 ha. Theo kế hoạch từ vụ đông xuân 2012 - 2013, Công ty ADC sẽ ký hợp đồng sản xuất ổn định toàn bộ diện tích lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGap với giá cao hơn thị trường tại thời điểm mua vào từ 10 - 12%.
Liên kết để phát triển bền vững
Không những mở nhiều mô hình liên kết “4 nhà”, ngay từ vụ hè thu 2011, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương An Giang còn thực hiện gắn mô hình “liên kết 4 nhà” với mô hình “cánh đồng mẫu lớn”. Xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành là nơi được thí điểm thực hiện trên quy mô diện tích 75 ha.
Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân, tham gia vào mô hình này người trồng lúa được hỗ trợ 30% chi phí giống lúa cấp xác nhận; được tập huấn kỹ thuật quản lý tổ nhóm và an toàn lao động. Theo tính toán, chi phí sản xuất lúa chỉ hết khoảng 18,2 triệu đồng/ha, giảm 720.000 đồng/ha trong khi năng suất đạt 6,1 tấn, cao hơn 0,4 tấn so với ngoài mô hình. Lợi ích nữa là năng lực về kỹ thuật được nâng cao, đồng thời môi trường nông thôn cũng được cải thiện rõ rệt. Dự kiến, mô hình sẽ được nhân rộng ra trên toàn vùng đê bao kiểm soát lũ 1.500 ha trong thời gian tới.
Theo phân tích của lãnh đạo Sở NN&PTNT An Giang, mô hình liên kết sản xuất lúa ở An Giang giữa nông dân - tổ hợp tác - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất đã giúp tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, việc liên kết cũng giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, dồi dào để xây dựng sản phẩm chế biến.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để giúp An Giang và các địa phương phát triển vững chắc các “cánh đồng mẫu lớn” và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, Bộ NN&PTNT cần sớm có chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo quốc gia, gắn với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VietGap, GlobalGap, đặc biệt là cần có những chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để nâng cấp hệ thống thủy lợi giao thông nội đồng; lưới điện cho tưới tiêu nước, cụm sấy lúa công suất lớn để làm “vệ tinh” cho các doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại đồng.
Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cần quan tâm phối hợp cùng ngành nông nghiệp xây dựng nhiều hơn mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và vùng nguyên liệu theo phương thức “sản xuất theo hợp đồng” để chủ động nguồn nguyên liệu, phát huy hiệu quả cụm kho - nhà máy xay xát, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên từng diện tích canh tác, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bài và ảnh: T.An - T.Dũng