Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có thông báo gửi cho Việt Nam về trường hợp phát hiện một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật trên chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện ngay các nội dung: Thông báo và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm tiến hành điều tra nguyên nhân vi phạm, thực hiện biện pháp khắc phục; lập báo cáo gửi về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 20/9/2023 để Cục thông tin cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo các quy định của Nghị định thư nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Đối với trường hợp nhận thông báo vi phạm lần đầu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số, thông báo cho các chủ mã số thực hiện các biện pháp khắc phục và không thực hiện các hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng; chỉ khôi phục mã số khi các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng biện pháp khắc phục đảm bảo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đối với trường hợp mã số đã nhận thông báo vi phạm nhiều lần, đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm; thông báo kịp thời để đảm bảo các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.
Các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với những mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã bị tạm dừng hoặc thu hồi. Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc tại vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; yêu cầu và có biện pháp giám sát các cơ sở đóng gói thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu và hướng dẫn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật để các đơn vị tham gia sản xuất, xuất khẩu sang Trung Quốc hiểu và tuân thủ.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, hợp tác xã vấp phải tình trạng rất nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng. Một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số; mặc dù từ các mã số vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Bên cạnh đó, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán ngang bằng, thậm chí thấp hơn người sản xuất tự do. Do đó, các doanh nghiệp không mặn mà với mã số vùng trồng mà chỉ mua sản phẩm, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được chất lượng quả sầu riêng khi đưa đi xuất khẩu tại nơi sản xuất.
Ông Chiến mong muốn, ngành chức năng và các địa phương quản lý mã số vùng trồng chặt chẽ, những mã số vùng trồng và những đơn vị liên kết bài bản thì phải bảo vệ, tránh trường hợp "tranh mua - tranh bán".
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Vạn Hòa Holding, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho rằng, việc sử dụng và quản lý mã số vùng trồng cũng là vấn đề khó khăn hiện nay. Đối với nông sản, diện tích được cấp mã số vùng trồng mới chỉ chiếm khoảng 20%, dẫn đến những đơn vị không thực hiện liên kết tìm mọi cách có được hồ sơ để xuất khẩu, đương nhiên dẫn đến sai phạm là điều hiển nhiên.
Ông Lê Anh Trung mong muốn, trong một chuỗi liên kết, tất cả các khâu cần phải hiểu vai trò và trách nhiệm của mình; đồng thời phải có tính nghiêm minh của pháp luật trong xử lý các hành vi vi phạm về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
Được biết, tỉnh Đắk Lắk đã có 49 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích khoảng 2.300 ha và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉnh có 6 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhận thông báo vi phạm lần đầu đề nghị tạm dừng; 3 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm nhiều lần đề nghị thu hồi. Các mặt hàng vi phạm gồm sầu riêng và chuối.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, một số lô hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đây là vấn đề cảnh tỉnh để tất cả doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở đóng gói phải nghiêm túc nhìn nhận lại vì không những gây thua lỗ, thiệt hại cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng. Cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc quyết liệt, cần rà soát lại tất cả các khâu, kịp thời ngăn ngừa tình trạng sử dụng mã số vùng trồng không đúng quy định, mạo danh mã số vùng trồng,…; đồng thời làm tốt hơn nữa các vấn đề từ tuyên truyền, hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các quy định về mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói; hướng đến mỗi chủ thể, mỗi người dân phải ý thức cao, tự giác tuân thủ và có sự giám sát trong cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, quy định của thị trường Trung Quốc đối với sầu riêng cũng là quy định chung của nhiều thị trường theo thông lệ quốc tế.
Thực tiễn thời gian qua, ý thức của một số người dân và doanh nghiệp chưa coi trọng mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, việc thực hiện còn mang tính đối phó. Các địa phương cần có biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng mã số vùng trồng và giám sát thường kỳ sau khi có mã số.
Theo bà Hương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng.