Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài 3: Sai sót lớn trong triển khai 

Thiết kế là phần việc hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với một dự án đầu tư xây dựng và cần thiết phải được thẩm định kỹ càng bởi cơ quan có chuyên môn đủ năng lực. Với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, ngay từ khâu thẩm định thiết kế đã tồn tại nhiều bất cập dẫn tới quá trình thi công các hạng mục gói thầu để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. 

Chú thích ảnh
Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng dang dở.

Từ vấn đề ủy quyền...

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về nguyên tắc việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủy quyền cho UBND thành phố thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. 

Về kiến nghị này, Bộ Xây dựng thống nhất việc tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án chống ngập của thành phố. Việc thẩm định thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp nhưng cần được xem xét theo Luật Xây dựng 2014. 

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Luật Xây dựng 2014 quy định cơ quan có chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng đối với công trình đặc biệt, cấp I, bao gồm dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỷ đồng. Nghị định số 59/NĐ/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ cũng quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở, kỹ thuật, bản vẽ thi công của dự án nhóm A. 

Tuy nhiên sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại khẳng định: TP Hồ Chí Minh có các cơ quan chuyên môn về xây dựng đủ khả năng thực hiện thẩm định dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công các công trình thủy lợi. Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý ủy quyền cho TP Hồ Chí minh thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. 

Đến ngày 9/10/2015, Chính phủ đồng ý nguyên tắc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thí điểm uỷ quyền cho UBND TP Hồ Chí Minh thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỷ đồng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong quá trình thực hiện thí điểm, UBND TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo chất lượng thẩm định. 

Thế nhưng trước khi có quyết định nói trên của Chính phủ cũng như văn bản uỷ quyền chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại cuộc họp với các sở ngành diễn ra ngày 15/9/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, hoàn tất trong vòng 2 tuần; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình UBND thành phố phê duyệt trước ngày 7/10/2015.

Đến ngày 18/12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới có công văn số 10272/BNN-XD chính thức đồng ý thí điểm uỷ quyền cho UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. 

Về sau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND TP Hồ Chí Minh uỷ quyền thẩm định thiết kế dự án còn Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thay mặt UBND thành phố giám sát, đánh giá việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư theo hợp đồng BT. 

Dư luận băn khoăn, việc rút ngắn quy trình để đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết. Nhưng đối với một dự án có quy mô vốn đầu tư lên tới gần 10.000 tỷ đồng lại thi công trong điều kiện, kỹ thuật phức tạp thì cơ quan được uỷ quyền của TP Hồ Chí Minh có thực sự đủ năng lực để thực hiện công tác thẩm định thiết kế dự án? 

Rõ hơn về vấn đề này, Thông báo số 314/TB-KTNN ngày 6/7/2018 của Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã chậm thẩm định bản vẽ thi công làm cơ sở cho nhà đầu tư thực hiện phê duyệt dự toán giai đoạn bản vẽ thi công theo quy định tại hạng mục kè dọc sông Sài Gòn các đoạn số 1, 2, 3, 4 thuộc gói thầu XD01, XD03, gói thầu TB15. 

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chậm tổ chức kiểm tra, giám sát, xác nhận khối lượng, chất lượng, giá trị hoàn thành của dự án. Cụ thể, dự án khởi công tháng 6/2016 nhưng đến tháng 1/2017,  UBND TP Hồ Chí Minh mới thành lập Tổ công tác liên ngành để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, xác nhận khối lượng hoàn thành; chưa ban hành quy trình xác nhận khối lượng hoàn thành làm cơ sở thanh toán hợp đồng BT. 

Trong khi đó, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố chậm kiểm tra, xác nhận khối lượng nghiệm thu hoàn thành theo quy định của hợp đồng BT, giải ngân tạm ứng vượt giá trị so với hợp đồng BT gần 15 tỷ đồng, giải ngân tạm ứng hỗ trợ bồi thường cho việc lún sụt nhà dân khi thi công tại Cống Phú Định không thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư với số tiền chưa được thu hồi hơn 4 tỷ đồng. 

… đến thay đổi thiết kế cơ sở  

Trong suốt quá trình triển khai dự án, Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng dự án đã nhiều lần báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh các tồn tại của nhà đầu tư, nhà thầu. Đáng chú ý là việc Liên doanh Tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng, nhà đầu tư đã thay đổi vật liệu sử dụng trong thi công. Cụ thể là việc thay đổi loại thép sử dụng để chế tạo cửa cống, từ thép tiêu chuẩn Nhật Bản được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt trong hồ sơ thiết kế cơ sở sang thép Trung Quốc mà chưa được phê duyệt từ UBND TP Hồ Chí Minh, không theo Điều 17 của Hợp đồng BT đã ký. 

Cùng với đó, việc thi công thực tế không đúng với hồ sơ thiết kế thi công được duyệt. Việc xây dựng cống Mương Chuối không tuân theo bản vẽ thi công được phê duyệt. 

Tại Thông báo số 314/TB-KTNN ngày 6/7/2018, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, quy mô 2 cống kiểm soát triều cường là cống Cây Khô và Phú Định chưa được lập, thẩm định kịp thời ở thời điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch. UBND TP Hồ Chí Minh chậm thoả thuận thống nhất về chỉ tiêu kỹ thuật, quy mô điều chỉnh với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Dự toán bản vẽ thi công tính toán sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá làm tăng giá trị dự toán hơn 198 tỷ đồng; chưa thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh mạng mục đê kè dọc sông Sài Gòn, gây khó khăn cho thi công và xác định khối lượng nghiệm thu, thanh toán. 

Trong quá trình triển khai thi công đã gây hư hỏng, lún nứt khoảng 350 nhà dân, làm đổ cần cẩu thi thông gây hư hỏng hệ khung vây, làm chậm tiến độ thi công theo hợp đồng. Hơn nữa, lựa chọn giải pháp thiết kế bước thiết kế cơ sở chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh thay đổi trong quá trình triển khai thực hiện như thay đổi biện pháp an toàn cho hầm vượt sông Sài Gòn, điều chỉnh trụ pin, bàn đáy khi thiết kế bản vẽ thi công (gói thầu XD 02).

Việc lựa chọn vật tư chế tạo cửa van của các gói thầu TB15, TB19, TB22, TB26 khi thiết kế cơ sở là chưa phù hợp nên khi thiết kế kỹ thuật thi công phải điều chỉnh từ thép không rỉ SUS304, thép S355 sang sử dụng thép S355. Việc thay đổi vật tư chế tạo chưa được lập và trình UBND thành phố phê duyệt theo Điều 17 hợp đồng BT. 

Trong khi đó, đại diện Trung Nam Group phản bác quan điểm nêu trên của Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng và cho rằng, việc thi công hoàn toàn tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công và chỉ có sự thay đổi giữa thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công.

Ngoài ra, sử dụng thép Trung Quốc sẽ giúp tiết kiệm hơn 90 tỷ đồng cho TP Hồ Chí Minh. Hợp đồng BT được ký kết không có điều khoản hay ràng buộc nào quy định là thép sử dụng cửa van phải là thép của các nước G7, của châu Âu hay thép Mỹ, thép Nhật, thép Trung Quốc.

Trong diễn biến liên quan, đáng chú ý là việc thẩm định năng lực chủ đầu tư. Theo Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tại Phụ lục Công văn số 3056/TTGSNN4 ngày 1/9/2016, tính đến thời điểm 30/11/2015, vốn chủ sở hữu của Trung Nam Group đạt 2.012 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư trong những năm gần đây tuy có lãi nhưng ở mức thấp so với quy mô vốn, đồng thời có xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến tháng 11/2015. Công ty đang vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.755 tỷ đồng nhưng lại gửi tiền có kỳ hạn 1.137 tỷ đồng.

Bài cuối: Sớm tái khởi động dự án

Bài và ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài 2: Làm rõ tính pháp lý hợp đồng BT
Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài 2: Làm rõ tính pháp lý hợp đồng BT

Với quy mô vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng triển khai theo hình thức BT, hợp đồng dự án chống ngập do Trung Nam Group làm nhà đầu tư phải được xây dựng chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý Nhà nước, hợp đồng dự án này xuất hiện nhiều vấn đề và cần phải rà soát lại để tránh lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN