Gỡ vướng đất san lấp công trình tại Đắk Nông - Bài 1: Quy định cũ, vướng mắc mới

Nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông tại tỉnh Đắk Nông đang chậm tiến độ do vướng mắc liên quan tới vật liệu đất san lấp.

Chú thích ảnh
Một doanh nghiệp khai thác đất trái phép để thi công công trình tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Nguyên do là với đặc thù địa hình đồi dốc, hầu hết các công trình đều có khối lượng phải san ủi, đào, đắp lớn nhưng hiện tỉnh Đắk Nông chưa có mỏ đất nào được cấp phép. 

Thực trạng này đang khiến tiến độ nhiều công trình, dự án bị chậm trễ so với kế hoạch, nhiều công trình có nguy cơ phải điều chuyển vốn. Nếu không sớm có các giải pháp tháo gỡ, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đắk Nông trong năm 2023 cũng khó đạt mục tiêu đề ra.

Bài 1: Quy định cũ, vướng mắc mới

Đầu năm 2023, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông bắt đầu tăng cường kiểm tra các trường hợp khai thác, san lấp đất tại công trình xây dựng và xử lý vi phạm. Việc sử dụng đất làm vật liệu san lấp tại hầu hết các công trình bị xác định chưa đủ cơ sở pháp lý khiến nhiều dự án phải tạm dừng. Đáng chú ý, quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực này không hề mới và ngành chức năng cũng đã nhiều lần lưu ý, cảnh báo các đơn vị liên quan.

Điêu đứng vì quy định… cũ

Dự án Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Nông có vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2022 và đang được kỳ vọng cơ bản hoàn thành để trở thành địa điểm chính tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (dự kiến vào ngày 23/3/2024).

Hiện đang chuẩn bị bước vào mùa mưa nhưng đơn vị thi công mới hoàn thành khoảng 30% tổng khối lượng cần san lấp của công trình này. Ông Nguyễn Tấn Nghĩa - Chỉ huy trưởng công trình này cho biết, lượng đất đắp đầu tiên theo tính toán là 200.000 m3. Đến cuối tháng 2/2023, đơn vị mới san lấp được hơn 70.000 m3. Đơn vị tận dụng thời tiết nắng ráo để đẩy nhanh tiến độ đào, đắp đất cho công trình, trước thời điểm mùa mưa bắt đầu. Hoàn thành việc đào đắp đất là điều kiện cần để triển khai xây dựng các hạng mục tiếp theo.

Tuy nhiên, cuối tháng 2/2023, việc san lấp tại dự án bị ngành chức năng xác định không đúng quy định của Luật Khoáng sản 2010 và một số quy định liên quan. Cơ quan công an đã tạm giữ phương tiện tham gia đào, đắp, vận chuyển đất và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công phải hoàn thiện thủ tục liên quan trước khi tiếp tục phần việc này.

Theo khảo sát địa chất của dự án Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa do Công ty TNHH Một thành viên tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng (Bộ Quốc phòng) lập vào tháng 9/2022 thì đất san lấp cho công trình sẽ được khai thác từ dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông và dự án khu tái định cư B. Đất san lấp từ hai công trình này được xác định là đất dôi dư trong quá trình xây dựng, có các yếu tố cơ lý, kỹ thuật đảm bảo đủ điều kiện để sử dụng làm vật liệu san lấp và khoảng cách vận chuyển tương đối gần (dưới 5 km).

Thêm nữa, cả ba dự án (Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa, Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông và dự án khu tái định cư B) đều do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư nên việc điều phối đất san lấp giữa các công trình cũng thuận tiện. Bên cạnh đó, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông cũng tận dụng đất dôi dư từ dự án nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông để huy động đất đắp cho công trình Quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa.

Sau khi bị các cơ quan chức năng “tuýt còi”, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông đã có công văn gửi nhà thầu yêu cầu tạm ngưng thi công đối với đào đắp nền đường, đào đắp đất trong khi chờ cấp có thẩm quyền xác nhận hồ sơ đăng ký theo quy định. Việc tạm ngưng đào đắp không chỉ đối với những dự án nêu trên mà còn thực hiện với tất cả các dự án do Ban làm chủ đầu tư; trong đó có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ như: Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 3, và Tỉnh lộ 5.

Tương tự, theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất thành phố Gia Nghĩa, đơn vị cũng có 7 dự án mở rộng đường giao thông, xây dựng khu tái định cư đang đình trệ do vướng mắc liên quan tới đất san lấp công trình. Tại huyện Đắk G’Long, việc giải ngân vốn đầu tư, thực hiện thi công các công trình thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong 2 năm 2022 - 2023 cũng đang đạt thấp (chỉ giải ngân được hơn 10 tỷ/hơn 530 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 2%). Nguyên nhân chính là do vướng mắc về cơ chế, chính sách; trong đó có quy hoạch bô xít.

Tiếp tục phát sinh vướng mắc lớn

Chú thích ảnh
Thi công san lấp, lu lèn đất tại một dự án cải tạo, mở rộng đường giao thông tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Theo Kiểm toán Nhà nước (tại thông báo kết luận kiểm toán số 231/TB-KTNN, ngày 13/6/2022 về kết quả kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông), giai đoạn 2017 – 2021, UBND tỉnh Đắk Nông chưa chỉ đạo rà soát, đánh giá quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội theo quy định tại điều 52, Luật Quy hoạch.

Trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2020 của tỉnh Đắk Nông không có quy hoạch mỏ đất san lấp công trình. Tại thông báo này, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan sớm rà soát, bổ sung vào quy hoạch mỏ đất phục vụ thi công trình xây dựng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, hơn 6 tháng từ thời điểm Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo đơn vị chức năng liên quan sớm rà soát, bổ sung vào quy hoạch các mỏ đất phục vụ thi công trình xây dựng. Sở đã chủ trì, phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan hoàn thành quy hoạch 106 mỏ đất và tích hợp với quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 – 2030.

Tuy nhiên, tất cả các mỏ đất đã được quy hoạch đều chưa đủ điều kiện để cấp phép khai thác, đưa vào sử dụng do quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, ngành chức năng liên quan đã siết các quy định liên quan tới đất đào, đất đắp từ đầu năm 2023 và nhiều công trình, dự án bị đình trệ do không thể khai thác đất san lấp.

Cũng theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, cấp phép vật liệu san lấp là thẩm quyền của UBND tỉnh. Hiện tỉnh Đắk Nông chưa có mỏ vật liệu đất san lấp nào được cấp phép và đây cũng là thực trạng chung của 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, việc thiếu đất san lấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án hạ tầng giao thông, nhất là một số tuyến cao tốc đã triển khai tại các tỉnh phía Nam như Phan Thiết – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu… chậm tiến độ.

Liên quan tới việc tận dụng, tận thu đất để đào, đắp, san lấp tại công trình xây dựng, Luật Khoáng sản 2010, các văn bản liên quan đã quy định rõ và Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản gửi chủ đầu tư, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố để hướng dẫn thực hiện, quản lý.

Theo đó, các chủ đầu tư có hoạt động khai thác, đào đắp đất trong nội bộ công trình phải thực hiện đăng ký khối lượng, công suất, phạm vi khai thác và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản. Còn chủ đầu tư có hoạt động khai thác, đào đắp đất giữa các công trình thì chỉ được thực hiện việc đào đắp, vận chuyển, tiếp nhận đất san lấp khi đã hoàn thành thủ tục và được UBND tỉnh cấp phép khai thác theo quy định.

Tuy nhiên, việc phê duyệt, cấp phép cho 2 hoạt động này tiếp tục gặp nhiều vướng mắc; trong đó, vướng mắc lớn nhất là nhiều dự án, công trình đang nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít tại tỉnh Đắk Nông (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg, ngày 01/01/2007).

Tại công văn (số 865/STNMT-KSTNN, ngày 12/4/2023) gửi UBND tỉnh Đắk Nông để đề xuất hướng xử lý đối với hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông khẳng định đã phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra và xác định nhiều dự án như cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 5, đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê… đều nằm trong khu vực đã thăm dò, đánh giá trữ lượng quặng bô xít và đã được Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò trữ lượng. 

Đến nay, tỉnh Đắk Nông chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp các tài liệu thăm dò chi tiết quặng bô xít trên địa bàn nên chưa thể xác định được đất làm vật liệu san lấp (tại các dự án nêu trên) có chứa quặng bô xít hay không. Do đó, Sở đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, xác định cụ thể.

Tại công văn gửi Thủ tướng Chính phủ (số 161/UBND-NNTNMT, ngày 11/01/2023 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện các dự án nằm trong khu vực quy hoạch bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông), UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định tỉnh là địa phương có trữ lượng bô xít lớn. Tuy nhiên, khác với các loại khoáng sản khác, quặng bô xít phân bổ trên diện tích rộng, dàn trải, ước chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đang gặp nhiều vướng mắc khi triển khai nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, dự án tín ngưỡng, tôn giáo tại 4 huyện, thành phố (Đắk R’Lấp, Đắk G’long, Đắk Song, thành phố Gia Nghĩa) do vướng quy hoạch bô xít. Nhiều dự án đã phải tạm dừng, điều chuyển vốn trong khi chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

UBND tỉnh Đắk Nông đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý cho triển khai một số dự án để đảm bảo quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền định hướng, tháo gỡ khó khăn để tỉnh có thể hài hòa trong đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế – xã hội và tuân thủ quy hoạch khai thác, chế biến quặng bô xít.

Liên quan tới việc cấp phép, triển khai các công trình, dự án trong khu vực quy hoạch mỏ bô xít, tại kết luận thanh tra (số 1207-KL-TTCP, ngày 28/4/2023 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh), Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu để xem xét, điều tra theo quy định pháp luật đối với việc quản lý, sử dụng đất trong thực hiện đầu tư xây dựng 5 dự án điện gió chồng lấn lên quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít tại tỉnh Đắk Nông.

Bài cuối: Tìm giải pháp hài hòa

Minh Hưng (TTXVN)
Đồng Nai thiếu gần 7 triệu m3 vật liệu san lấp cho 2 dự án trọng điểm
Đồng Nai thiếu gần 7 triệu m3 vật liệu san lấp cho 2 dự án trọng điểm

Ngày 5/5, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết đã phối hợp cùng các đơn vị khảo sát, tính toán nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ 2 dự án trọng điểm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - TP Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh), qua đó xác định, khi triển khai 2 dự án, tỉnh thiếu gần 7 triệu m3 đất đắp và cát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN