Gặp khó về cơ giới hóa

Việc ứng dụng cơ giới hóa vào trồng hoa màu trên nền đất lúa là biện pháp tiên quyết nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất lao động và tăng khả năng cạnh tranh của nhà nông. Tuy nhiên theo các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp tại các tỉnh vùng ĐBSCL, nhu cầu chính đáng và bức thiết này của nhà nông lại đang gặp khó do thiếu vốn đầu tư. Điều này khiến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng ĐBSCL thêm nhiều khó khăn. Tiến sĩ Phan Huy Thông (ảnh), Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí về vấn đề nói trên.

 

Thưa ông, vì sao cơ giới hóa sản xuất là mấu chốt quan trọng trong việc chuyển đổi trồng các loại cây hoa màu ở vùng ĐBSCL?


Trong việc trồng các loại cây như ngô, hoa màu thì phần việc làm đất và tỉa cỏ tốn rất nhiều công. Trước đây, nông dân đã quen với việc trồng lúa đơn giản là chỉ đi vãi hạt nhưng bây giờ đối với cây ngô thì hoàn toàn không thể như vậy được. Trong khi đó nguồn lực đầu tư của nông dân còn rất hạn chế. Do vậy làm thế nào để có được những loại máy móc, phương tiện cơ giới để hỗ trợ cho người nông dân, nhất là khâu bón phân, tỉa và làm cỏ, thu hoạch là rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng cần phải có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận với những phương tiện này để họ có thể giảm chi phí lao động giúp chuyển đổi nâng cao hiệu quả.

 

Quang cảnh Hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô và cây rau màu khác tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra ngày 6/5 vừa qua.

 

 

Theo ông, nhà nước cần có chính sách gì giúp nhà nông?


Tôi cho rằng vấn đề chính sách hỗ trợ giống trong Quyết định 580, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo Quyết định 62 của Chính phủ đã phù hợp. Nhưng vẫn phải có thêm chính sách hỗ trợ nông dân để ứng dụng cơ giới hóa. Muốn cơ giới hóa thành công phải có phần hỗ trợ chính sách làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đem các mẫu máy phù hợp với nền đất, phù hợp với đối tượng cây trồng chuyển đổi. Cụ thể là cây ngô và một số cây trồng khác trên điều kiện tự nhiên của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, qua công tác khuyến nông, phải xây dựng được mô hình trình diễn rồi có đào tạo tập huấn cho nông dân để đảm bảo yếu tố hạ giá thành sản phẩm và hiệu quả cao.


Vậy chúng ta cần triển khai chính sách này như thế nào? 


Theo tôi hiện nay chính sách hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 61 trước đây và Nghị định 41 là phù hợp. Thế nhưng nếu chúng ta áp dụng chính sách hỗ trợ thẳng, ví dụ một máy giá trị khoảng 50 triệu thì hỗ trợ nông dân 30% hay 50% thì cần cụ thể rõ. Như Trung Quốc họ làm rất đơn giản thủ tục này, khi họ đã giúp nông dân hỗ trợ chính sách thì thứ nhất là người nông dân đăng ký mua loại máy trong danh mục nhà nước hỗ trợ. Thứ hai là khi nông dân đăng ký thì họ chỉ cần vay của ngân hàng và đã có ngân hàng đứng ra làm thủ tục. Sau đó, giao máy tay ba giữa chủ máy, nông dân, ngân hàng. Nông dân chỉ ký vào đơn vay ngân hàng còn hỗ trợ bao nhiêu phần trăm thì nhà nước chuyển cho chủ máy chứ không phải nông dân đi vay.


Xin cảm ơn ông!



Bài và ảnh: A.Đ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN