Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, bối cảnh sau đại dịch sẽ ổn định ở hầu hết các khía cạnh, nhưng suy thoái kinh tế có thể làm đình trệ chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe.
Nửa đầu năm 2023 sẽ là khoảng thời gian khó lường đối với nguồn cung hoạt chất (API) và tá dược. Khoảng 65% API được sử dụng trong việc sản xuất thuốc tại Việt Nam là từ Trung Quốc - quốc gia đã mở cửa trở lại, nhưng SSI lo ngại tình trạng thiếu hụt vẫn có thể xảy ra.
Thêm vào đó, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra, các hoạt chất và thuốc nhập khẩu từ châu Âu có nguy cơ bị thiếu hụt. Các công ty có thể sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giành được vị thế tốt hơn. SSI kỳ vọng doanh thu ngành sẽ tăng 8%, đạt 169 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD) vào năm 2023.
SSI cũng cho rằng, cuộc đua về nâng cấp chất lượng đang diễn ra tại các công ty dược phẩm lớn. Nhiều công ty như Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG), Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM (mã chứng khoán: IMP), Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (mã chứng khoán: DBD), Công ty cổ phần TRAPHACO (mã chứng khoán: TRA) và Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (mã chứng khoán: DCL) đang đặt mục tiêu đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu (EU GMP) cho các cơ sở sản xuất của họ.
Các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn EU GMP sẽ được xét vào nhóm thuốc chất lượng cao nhất trong đấu thầu ở bệnh viện công (nhóm 1). Các công ty trong nước hy vọng sẽ đấu thầu được sản phẩm với giá cao hơn trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều loại thuốc nhập khẩu thuộc nhóm này.
Theo ước tính của SSI, chỉ có 6% thuốc trong nhóm 1 được sản xuất trong nước, phần còn lại chủ yếu là thuốc nhập khẩu. Ngoài ra, việc nâng cấp EU GMP sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đến cuối năm 2022, chỉ có 8 công ty sở hữu dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP hoặc tương đương tại Việt Nam. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ban đầu và chi phí duy trì cao, các yêu cầu khắt khe và thời gian phê duyệt kéo dài, các công ty sẽ phải cân nhắc việc theo đuổi cuộc đua này hoặc đầu tư vào các mảng khác để có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Các chuyên gia từ SSI cho rằng, tình trạng thiếu vật tư và nhân lực tại các bệnh viện công dự kiến sẽ được cải thiện từ quý II/2023. Bộ Y tế đang đề xuất Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) để giải quyết những bất cập về khung pháp lý mà các bệnh viện công đang gặp phải, đặc biệt là vấn đề giá khám chữa bệnh thấp và quy trình đấu thầu đã nêu trên.
Trong năm 2023, mức phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công sẽ tăng lên và hoạt động bán thuốc kê đơn qua kênh bệnh viện sẽ phục hồi. Cho tới khi vấn đề được giải quyết, nhóm bệnh viện tư nhân sẽ được hưởng lợi từ lượng bệnh nhân mà các bệnh viện công không thể phục vụ.
SSI cho biết năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh trong chi tiêu chăm sóc sức khỏe. Doanh thu ngành chăm sóc sức khỏe tăng 25% so với năm 2021, đạt 155 nghìn tỷ đồng ( khoảng 6,6 tỷ USD), cao hơn đáng kể so với mức trước COVID-19 (doanh thu năm 2019 đạt 4,7 tỷ USD).
Hầu hết các công ty đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng ở mức hai con số trên mức nền thấp của phân khúc ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện) trong năm 2021, dù phải đối mặt với nhiều thách thức như gián đoạn chuỗi cung ứng và chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế.
Thực tế năm 2022, nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch sau dịch COVID-19 đã giúp cho nhiều công ty hoạt động trong ngành dược phẩm thu về kết quả tích cực.
Cụ thể năm 2022, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang có doanh thu thuần đạt 4.676 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Công ty báo lãi khoảng 988 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước đó và vượt 29% kế hoạch đề ra.
Dược Hậu Giang cho biết, doanh thu tăng do sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thuốc, đặc biệt là các sản phẩm kháng sinh và các sản phẩm phòng bệnh, tăng cường hệ miễn dịch. Công ty cũng chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối tốt với khách hàng.
Vì lãi lớn nên Dược Hậu Giang vừa thống nhất trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 35%, cao hơn so với kế hoạch đề ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Cụ thể, công ty dự kiến tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2022 từ 30% lên mức 35%. Tương ứng với mỗi cổ phiếu, cổ đông sở hữu sẽ nhận về 3.500 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 17/3. Với 130,75 triệu cổ phiếu DHG đang lưu hành, Dược Hậu Giang sẽ chi khoảng 458 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Tếp dến, trường hợp của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (mã chứng khoán: OPC) còn lập mức lãi kỷ lục. Theo đó năm 2022, doanh nghiệp có lãi ròng 142,4 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm trước. So với kế hoạch, doanh nghiệp đã vượt 2% chỉ tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco, mã chứng khoán: PBC) cũng là một trong những doanh nghiệp báo lãi lớn trong năm qua khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 62 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ và vượt 15% kế hoạch đề ra.
Các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Traphaco báo lãi ròng 293,4 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022, Công ty cổ phần SPM (mã chứng khoán: SPM) báo lãi tăng 22% lên mức 24,6 tỷ đồng, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định có lợi nhuận tăng trưởng 29% đạt 244 tỷ đồng, Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 (mã chứng khoán: DP1) báo lãi năm 2022 ở mức 50,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (mã chứng khoán: PMC) lãi 83,4 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021…
Giới phân tích nhận định, bước sang năm 2023, doanh nghiệp dược phải đối mặt với những thách thức khiến lợi nhuận có thể giảm tốc tăng trưởng. Tuy nhiên, về dài hạn, ngành dược có nhiều tiềm năng tăng trưởng cho cả các công ty sản xuất, cũng như những tập đoàn bán lẻ do quy mô dân số Việt Nam ở mức lớn đồng thời dân số đang bước vào giai đoạn “già hóa”. Tỷ lệ dân số vàng của Việt Nam hiện đang nằm ở mức đỉnh và đang bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (cơ quan trực thuộc Bộ Y tế), Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và thu nhập của người dân cũng tăng cao hơn khiến chi tiêu cho hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung và tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người sẽ nhiều hơn.