Dự án mở rộng QL 1A 'đói' vốn

Dự án mở rộng quốc lộ (QL)1A từ Hà Nội đến Cần Thơ dài 1.887 km, dự kiến cơ bản hoàn thành việc mở rộng vào năm 2016. Tuy nhiên, dự án đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Nếu không được gỡ khó về vốn, dự án này sẽ đối mặt với nguy cơ khó cán đích đúng hẹn.

 

Quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) đang được mở rộng.

 

Dự án được chia thành 37 dự án nhỏ, gồm: 17 dự án theo hình thức (Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) BOT; 2 dự án đang đầu tư từ nguồn vốn đối ứng ngân sách Nhà nước; 17 dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và 1 dự án đầu tư bằng vốn vay ADB. Tổng vốn đầu tư dự án lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.


Theo rà soát tiến độ tổng thể của Bộ GTVT, dự kiến đến cuối năm 2013, dự án sẽ hoàn thành mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 627 km, đến năm 2016 sẽ hoàn thành mở rộng 1.038 km và tăng cường mặt đường 222 km. Đến nay, hầu hết các dự án BOT đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Các dự án vốn TPCP đoạn từ Hà Nam đến Thanh Hóa được triển khai sớm đã cơ bản hoàn thành; riêng đoạn từ Ninh Bình đến Thanh Hóa khởi công muộn hơn, nên mới đạt khối lượng trên 40%; đoạn từ Thanh Hóa đến Nghệ An do khó khăn về nguồn vốn, nên mới khởi động lại từ đầu năm 2013; đoạn từ Hà Tĩnh trở vào đang triển khai lập thiết kế kỹ thuật... Đáng lưu ý là hầu hết các dự án đang thiếu vốn để giải phóng mặt bằng (GPMB), đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ, nhất là đoạn từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.


Nhiều chuyên gia lo ngại, số lượng các dự án BOT mặc dù được ký hợp đồng khá rõ ràng về tiến độ, nhưng vướng về mặt bằng nên sẽ cản trở tiến độ các dự án. Điều này còn dễ khiến nhà đầu tư bị thua lỗ, dẫn đến công trình dở dang. Thêm nữa, hầu như các chủ đầu tư chủ yếu sử dụng vốn vay ngân hàng nên nếu có những biến động về lãi suất cho vay trong tương lai, thì sẽ dễ xảy ra tình trạng các nhà đầu tư BOT “bỏ của chạy lấy người”. Khi đó, chắc chắn các dự án sẽ không còn được giải ngân đúng như cam kết...


Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Vũ Hoằng cho biết, hiện nay, các tiểu phần dự án mở rộng QL1A gần như đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhưng trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, Bộ GTVT sẽ chỉ đầu tư mở rộng các đoạn chưa triển khai xây dựng đường cao tốc song hành và các đoạn chưa có tuyến tránh. Đối với các đoạn qua đô thị, trước mắt chỉ đầu tư với quy mô tương tự đoạn ngoài đô thị. Còn Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Dương Viết Roãn thì cho rằng, GPMB hiện vẫn đang là khâu “nóng” và diễn ra phức tạp nhất. Giá đất bồi thường tại các vị trí giáp ranh giữa các địa phương có dự án đi qua chênh lệch nhau dẫn đến khiếu kiện trong dân. Bên cạnh đó, do thiếu vốn đền bù nên việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công không liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công, chất lượng và tiến độ dự án...


Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Dự án mở rộng QL1A cần phải có cơ chế đặc thù về nguồn vốn, GPMB, sự ủng hộ của các địa phương. Bộ đã xây dựng xong cơ chế này và đang trình Chính phủ. Về công tác GPMB, các địa phương phải chịu trách nhiệm chính, trên cơ sở tiền đền bù, hỗ trợ di dời dân theo chính sách hiện nay. Khi cơ chế đặc thù được Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT sẽ nhanh chóng triển khai để người dân an tâm và dự án kịp tiến độ, bởi tuyến đường này có tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng hộ dân sống ven tuyến đường này lớn.


Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành TPCP để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Chính phủ đã nhất trí trong thời gian tới sẽ cho phép ứng trước vốn để thực hiện ngay công tác GPMB. Các đơn vị liên quan lập dự án, thẩm định chặt chẽ tổng mức đầu tư để chỉ định thầu. Các chủ đầu tư sẽ phải tiết kiệm ít nhất 5% tổng mức đầu tư, đồng thời chịu lãi suất như lãi suất của vốn TPCP trong thời gian ứng vốn và ưu tiên lựa chọn các công trình đang thực hiện dở dang, nhằm tiết kiệm thời gian thi công.

 

Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT về việc báo cáo Quốc hội xin phát hành TPCP để mở rộng QL 1A. Dự án này đã được đưa vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, coi đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của cả nhiệm kỳ.



Bài và ảnh: Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN