Cụ thể, theo quy định tại điều 2, Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc NHNN.
Nhiều loại giấy phép hiện đang bó buộc hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp. |
Tuy nhiên, trong gần 5 năm qua, chưa có DN nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu NHNN hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các DN sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, đó là Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, theo quy định của Luật Đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, nếu những văn bản cấp Thông tư không được nâng cấp lên thành Nghị định thì sau ngày 1/7/2016 sẽ bị hết hiệu lực thi hành.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN bãi bỏ quy định tại Điều 2, Thông tư 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng đề nghị cho phép những DN đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với NHNN bởi khi giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế thì DN cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hiệp hội cũng cho rằng, việc gia công vàng trang sức, mỹ nghệ và tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để thực hiện hoạt động này hiện không nằm trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2014. Hơn nữa, hoạt động tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu cũng không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ của Nhà nước nên NHNN cũng không cần cấp phép đối với họat động này. Nếu có quy định thì DN chỉ cần báo cáo định kỳ với NHNN.
“Hiệp hội đề nghị Chính phủ bãi bỏ quy định cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ”, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị.
Một số kiến nghị khác của Hiệp hội gửi lên Chính phủ như: không nên áp đặt DN phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước khi vay vàng của tổ chức, cá nhân; không cần xin phép kinh doanh vàng miếng đối với các chi nhánh/địa điểm kinh doanh trực thuộc Công ty, kể cả thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng. Hiệp hội lý giải, hiện nay địa điểm để kinh doanh đa số là phải đi thuê, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng thì các DN phải xin phép NHNN. Như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của DN.
“Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép các DN chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, không cần tiếp tục xin giấy phép cho hoạt động đã được cấp phép”, Hiệp hội kiến nghị.
Hiệp hội cũng kiến nghị bãi bỏ quy định tại Thông tư 22/2014 của Bộ Khoa học – Công nghệ về việc DN phải được cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng trước khi thực hiện hoạt động này, chỉ quy định các DN đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động này.