Những khởi đầu ấn tượng
Giữa năm 2021, giới tài chính xôn xao câu chuyện một công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước, song đã thành công phát hành lô trái phiếu quốc tế 200 triệu USD trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Đáng chú ý, đây là lô trái phiếu doanh nghiệp xanh đầu tiên của Việt Nam được phát hành và có khối lượng đăng ký mua cao hơn gấp 3 lần khối lượng chào bán.
Công ty cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên của Tập đoàn BIM Group - “nhân vật” chính trong câu chuyện trên cho biết, việc phát hành thành công lô trái trái phiếu xanh không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mà còn khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc Tài chính Tập đoàn BIM Group cho biết, phát triển bền vững là định hướng, chiến lược của BIM Group kể từ khi thành lập. Việc lựa chọn phát hành trái phiếu xanh, thay vì trái phiếu thông thường đã tạo điều kiện để Tập đoàn thiết lập khung quản lý tài chính xanh; đồng thời, áp dụng khung này cho các dự án xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng như các hoạt động kinh doanh khác.
Không chỉ vậy, việc niêm yết thành công lô trái phiếu xanh trên đã mang lại nhiều lợi thế cho Tập đoàn trong việc huy động nguồn vốn quốc tế cũng như chứng minh hiệu quả thực thi của doanh nghiệp trong nước. Mới đây, một thành viên khác của BIM Group là BIM Energy đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ thương mại lên tới 107 triệu USD nhằm hỗ trợ vận hành dự án điện gió quy mô 88MW tại tỉnh Ninh Thuận.
Thực tế cho thấy, việc BIM Land phát hành thành công lô trái phiếu xanh đầu tiên còn mở ra xu hướng huy động vốn mới cho các doanh nghiệp, dự án xanh. Các doanh nghiệp sẽ có thêm kênh huy động vốn cho các dự án đầu tư dài hạn mang tính phát triển bền vững, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà các định chế tài chính chưa thể đáp ứng hết được bằng các sản phẩm tài chính truyền thống. Trước BIM Land, thị trường nợ xanh của Việt Nam cũng đã có một số lô trái phiếu được phát hành, nhưng đều do Chính phủ, chính quyền địa phương bảo lãnh phát hành.
Đến tháng 9/2021, Công ty cổ phần Vinpearl thông báo phát hành thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup. Đây cũng là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới.
Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu bền vững được sử dụng riêng cho tài trợ hoặc tái cấp vốn cho kết hợp cả các dự án lẫn tài sản xanh và xã hội. Khi đó, lượng đặt mua trái phiếu bền vững kèm quyền chọn nhận cổ phiếu của Vinpearl cao hơn so với quy mô phát hành cho thấy quan điểm tích cực của nhà đầu tư với sản phẩm trái phiếu này.
Năm 2022, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) bất ngờ thông báo đã phát hành thành công lô trái phiếu xanh được bảo lãnh một phần từ GuarantCo vào tháng 7. Đợt phát hành trị giá hơn 1.700 tỷ đồng của EVNFinance đã nhận được gói bảo lãnh thanh toán một phần dài hạn từ GuarantCo, với giá trị bảo lãnh 50 triệu USD (tương đương tối đa 1.150 tỷ đồng).
Đây là giao dịch phát hành trái phiếu đầu tiên được bảo lãnh một phần tại Việt Nam; đồng thời, EVNFinance là tổ chức đầu tiên phát hành trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam dựa trên nguyên tắc trái phiếu xanh do Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) công bố.
Cơ hội rộng mở
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Fiin Group, trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh đang là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
“Trong thời gian gần đây, chất lượng trái phiếu xanh đã đa dạng hơn, không chỉ có trái phiếu xếp hạng rất cao (AAA và AA) mà cả các trái phiếu A và BBB. Có những ngành gây ô nhiễm môi trường như sản xuất thép, nhưng doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất xanh thì vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ”, ông Thuân cho biết.
Dữ liệu do Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu khí hậu (CBI) và Ngân hàng HSBC công bố hồi giữa năm 2022 cho thấy, thị trường vốn nợ bền vững tại 6 nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN, bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong năm 2021.
Cụ thể, lượng phát hành cao kỷ lục ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) đạt 24 tỷ USD, tăng 76,5% so với mức 13,6 tỷ USD của năm 2020 và nợ liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD, tăng 220% so với mức 8,6 tỷ USD của năm 2020.
Đáng chú ý, tại Việt Nam, tổng giá trị GSS đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp 5 lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền.
Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.
Theo bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (GSSS) tại thị trường Việt Nam có thể là một điểm cộng cho Việt Nam, cải thiện điểm số ESG của quốc gia và thu hút các nhà đầu tư quốc tế, những người ngày càng quan tâm hơn đến phát triển bền vững.
Không chỉ nâng cao về mặt danh tiếng, việc phát hành trái phiếu xanh còn mang lại nhiều lợi ích hiện hữu cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề tối ưu hóa về chi phí vốn. Theo đó, các khoản huy động trái phiếu xanh thường có mức lãi suất thấp hơn thông thường, với kỳ hạn dài. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực để đầu tư vào các dự án dài hạn, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu ngắn hạn.
Thực tế cũng cho thấy lô trái phiếu xanh của BIM Land phát hành chỉ có lãi suất 7,375%/năm, với kỳ hạn 5 năm; lô trái phiếu bền vững có quyền chọn của Vinpearl có lãi suất khá hấp dẫn 3,25%/năm, kỳ hạn 5 năm và lô trái phiếu xanh do EVNFinance phát hành cũng chỉ có lãi suất 6,7%/năm, kỳ hạn lên tới 10 năm. Lãi suất thấp trong một kỳ hạn dài rõ ràng là niềm mơ ước của đại đa số doanh nghiệp khi huy động vốn.
Theo các chuyên gia, để huy động vốn trái phiếu xanh quốc tế hiện có nhiều chương trình với tiêu chí và chuẩn mực riêng. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm kiếm chương trình phù hợp và xác nhận trái phiếu xanh.
Về khung pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung định nghĩa, yêu cầu chung đối với trái phiếu xanh và những ưu đãi được hưởng áp dụng với chủ thể phát hành. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang trình Chính phủ xem xét dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phát hành Sổ tay “Hướng dẫn phát hành cho trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn của trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, song đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn huy động vốn qua thị trường tài chính bền vững.
Bài cuối: Những gợi mở về chính sách