Hiện tại, năm 2015, chúng ta đã phải đối mặt với hiện tượng El - nino kéo dài nhất trong vòng 60 năm, khô hạn khốc liệt ở Nam Trung Bộ, đặc biệt là Bình Thuận, Ninh Thuận... có trên 30 ngàn ha gieo trồng lúa ở khu vực này phải dừng sản xuất vì không có nước; khô hạn làm giảm trầm trọng năng suất các cây công nghiệp có giá trị như cà phê, điều... Hạn và thiếu nước trở thành vấn đề nóng của cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Do ảnh hưởng của El - nino, đồng bằng sông Cửu Long không có lũ về, hàng triệu ha đất lúa không có phù sa, xâm nhập mặn lại tiến sâu vào nội đồng, canh tác lúa vụ đông xuân 2016 gặp khó khăn, chi phí tăng, năng suất bị ảnh hưởng. Phía Bắc, vụ đông xuân ấm cũng là một thách thức lớn với sản xuất vụ lúa xuân, một vụ chủ lực của toàn miền, đi liền với ấm là tình trạng hạn, thiếu nước, sâu bệnh gia tăng...
´Cảnh báo sớm thiên tai, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng để đối phó với tình trạng này. Cục Trồng trọt phối hợp với các trung tâm khí tượng như thế nào để đưa ra các cảnh báo sớm cho bà con nông dân, thưa ông?
Tiên lượng và cảnh báo sớm là một trong các giải pháp hàng đầu để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta bỏ ra 1 đồng để phòng sẽ giảm được 100 thậm chí 1.000 đồng thiệt hại và chi phí cho khắc phục; Chính vì vậy sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia rất khăng khít và chặt chẽ, Cục Phòng chống thiên tai thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) là đầu mối kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin cùng với các cục, vụ khác thuộc Bộ.
Các thông tin dự báo, cảnh báo này đã được Cục Trồng trọt sử dụng rất hiệu quả. Cục Trồng trọt cập nhật các dự báo mang tính chu kỳ và đột biến để có cảnh báo, định hướng sản xuất phù hợp theo kế hoạch hàng vụ, hàng năm. Ngành nông nghiệp cũng chủ động khuyến cáo bà con về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng tiết kiệm nguồn lực tự nhiên như nước tưới... Các hiện tượng xảy ra theo mùa cũng thường xuyên được chúng tôi đưa vào các công văn chỉ đạo, hướng dẫn cho các sở NN&PTNT, từ đó các sở tham mưu cho UBND các tỉnh ban hành các chỉ thị, công điện... chỉ đạo sớm các giải pháp phòng chống nhằm giảm thiểu các thiệt hại.
Cục Trồng trọt cũng phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, thông tin thường xuyên, liên tục để nhân dân biết sớm và chủ động chuyển đổi, bố trí cơ cấu cây trồng và phòng chống các hiện tượng như bão, mưa lớn gây ngập lụt...
´Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu, sản lượng gạo xuất khẩu có thể bị giảm sút, Cục Trồng trọt có những giải pháp gì về vấn đề này, thưa ông?
Đất lúa có thể bị mất đi, năng suất bị suy giảm, nhưng theo các tính toán của chúng tôi, đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chúng ta vẫn đảm bảo duy trì tốt an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, nếu chuyển diện tích đất lúa sang các cây trồng khác thì lượng gạo xuất khẩu sẽ bị giảm sút, nhưng điều này không quan trọng. Quan trọng là nông dân có thu nhập cao hơn, đời sống khấm khá hơn.
Để ứng phó với các biến đổi khí hậu, đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương và tuyên truyền vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa theo tinh thần chuyển đổi mềm; chuyển đổi với những chân đất làm lúa kém hiệu quả, thiếu nước, chuyển đổi ở các mùa vụ thích hợp và hơn hết là chuyển đổi không phá vỡ mặt bằng đất lúa, khi an ninh lương thực bị đe dọa sẽ sẵn sàng trở về làm lúa.
Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 580 về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng cường cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh hại và chịu mặn cao...