Chuỗi ngọc miền Tây Bắc

Sông Đà, còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chảy theo hướng tây bắc - đông nam rồi nhập vào sông Hồng ở Phú Thọ. Sông Đà dài 910 km; đoạn ở Việt Nam dài 527 km. Sông Đà chảy qua các tỉnh Tây Bắc Việt Nam là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ. Sông có lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng và là một nguồn tài nguyên thủy điện lớn cho ngành công nghiệp Việt Nam.


Sự tích sông Đà


Người dân Tây Bắc quen gọi sông Đà là Me Nặm Te (mẹ nước sinh sôi ra của cải, vật chất). Sông Đà còn gắn với bao huyền thoại lưu truyền trong dân gian. Câu chuyện của cụ Mo Cương kể rằng: Xưa có anh chàng khổng lồ tên là Ải Lậc Ngậc, mặc dù đã được Mẹ Sông Đà chia cho một nhánh của cải gọi là sông Nặm Rốm (sông chảy qua cánh đồng Điện Biên ngày nay), nhưng vẫn cố đòi thêm nguồn nước từ sông Đà về tưới cho “ruộng mạ” Mường Thanh (Điện Biên) để khai khẩn vùng đất hoang phía Tây. Ải Lậc Ngậc đã khuân đá núi đắp chặn dòng sông Đà, “bắt” sông chảy sang phía cánh đồng Mường Thanh. Thấy vậy, thần nước đã sai con cua đá đến phá đập, nhưng Ải Lậc Ngậc vẫn quyết tâm ngăn dòng. Đến lần thứ ba, trong lúc Ải Lậc Ngậc mải mê đắp đập, cua đá đã dùng đôi càng to khỏe của mình cắp vào chỗ hiểm của chàng khổng lồ, làm cho anh ta phải bỏ chạy lên bờ. Từ đó công việc đắp đập sông Đà bị dang dở đến ngày nay. Chuyện xưa là vậy, nhưng trong sâu thẳm những cư dân sống ven sông Đà từng mơ ước chinh phục dòng sông Đà phục vụ cho cuộc sống dân sinh. Ngày nay, việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Đà chính là thực hiện mơ ước của người dân Tây Bắc, nhằm khai thác tối đa sông Đà, đem nguồn điện khổng lồ phục vụ cho đất nước.


Thuỷ điện Sơn La nhìn từ phía hạ lưu.


Hệ thống cửa xả.


Hồ thủy điện Sơn La tích nước lần đầu.

 

Việc chinh phục sông Đà làm thủy điện nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Năm 1994 (22/12), khánh thành Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình có công suất 1.920 MW với 8 tổ máy. Gần 10 năm sau, đến tháng 12/2005, khởi công công trình thủy điện Sơn La với công suất là 2.400 MW. Ngày 5/1/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức khởi công NMTĐ Lai Châu. Nhà máy này gồm 3 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW.

 

Trên sông Đà giờ đây đã hình thành 5 bậc thang thủy điện bao gồm: NMTĐ Hòa Bình: 1.920 MW; NMTĐ Sơn La: 2.400 MW; NMTĐ Lai Châu: 1.200 MW; NMTĐ Huội Quảng: 520 MW; NMTĐ Bản Chát: 180 MW. Sông Đà đã trở thành nguồn cung cấp thuỷ điện lớn nhất cả nước, lên tới khoảng 6.200 MW điện vào năm 2015. Có thể so với các trung tâm nhiệt điện khí Phú Mỹ đã đi vào hoạt động hay một số trung tâm nhiệt điện khác được dự tính đặt ở Nghi Sơn, Vũng Áng cũng cỡ vài nghìn MW thì NMTĐ Sơn La nói riêng hay toàn bộ các NMTĐ trên sông Đà cũng chưa phải là khổng lồ. Nhưng nếu so sánh nguồn nhiên liệu để phục vụ cho phát điện thì sông Đà thật sự là một kho vàng trắng.


Chuyện về những người thợ xây dựng thủy điện Sơn La


Đã không biết bao lần đến với công trình thủy điện Sơn La, chứng kiến những sự kiện quan trọng diễn ra tại đây, mỗi lần hạ rôto các tổ máy, rồi hòa lên lưới điện quốc gia là chúng tôi có một cảm xúc và kỷ niệm khó quên. Giờ đây công trình đã hoàn tất, chuẩn bị cho lễ khánh thành, cảm xúc trong tôi lại trào dâng khó tả, hòa vào niềm vui chung trọn vẹn với những người thợ công trình.


Đổ bê tông hố móng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La.


Hôm khánh thành tổ máy cuối cùng (tổ máy số 6), ông Nguyễn Thế Trinh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty lắp máy LILAMA, phấn khởi cho chúng tôi biết: Sự kiện tổ máy số 6 chính thức phát điện hòa lên lưới điện quốc gia về đích đúng theo kế hoạch đây chính là uy tín và khả năng lắp máy của LILAMA. Theo dọc hành lang các tổ máy từ số 1 cho đến số 6 đang vận hành, đèn tín hiệu đặt phía trên mỗi tổ máy đều báo đỏ, cả không gian tràn ngập niềm vui. Anh Lê Xuân Tùng, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chúng tôi cho biết: Các tổ máy đang chạy điều tần, tức là để giữ ổn định lưới điện và thực hiện điều tiết tích nước hồ chứa. Tổ máy số 6 nằm ở cuối hành lang, cách tổ máy số 1 gần 200 m. Nhưng để hoàn thành đưa 6 tổ máy vào hoạt động, những người thợ cùng các chuyên gia của các đơn vị cung cấp thiết bị, nhà thầu xây dựng, lắp máy đã miệt mài ngày đêm lao động gần 7 năm trời.


Công nhân Công ty CP Vận chuyển đa phương thức vận chuyển biến áp (cỗ máy siêu trọng nặng gần 300 tấn) về công trường thủy điện Sơn La.


Hạ rôto tổ máy số 1.


Hạ đặt thành công rôto tổ máy số 6 vào tổ hợp máy phát.


Dịch chuyển rôto tổ máy số 6 vào vị trí tổ hợp.


Anh Hoàng Xuân Trường, Đội trưởng Đội Stato của chi nhánh LILAMA là người có mặt trên công trường thủy điện Sơn La từ năm 2006, trực tiếp lắp đặt cả 6 tổ máy phấn khởi nói: Từ tổ máy số 1 đến hôm nay đội của anh đã phải dùng đến 15 cuốn sổ khổ A4 dày cả trăm trang để ghi chép nhật ký, bàn giao ca. Cũng từ tổ máy số 1, tiến độ cứ sau 4 tháng lại lắp đặt thành công, đưa vào vận hành phát điện một tổ máy. Cho đến hôm nay, trang cuối cùng sẽ được ký nhận bàn giao hoàn thành. Đây là lần ký cuối cùng tại công trình lớn nhất này, chúng tôi rất hồi hộp và xúc động vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Hoàn tất 6 tổ máy của thủy điện Sơn La sau gần 7 năm thi công.


Tại hệ thống điều khiển tổ máy số 6, anh Nguyễn Đăng Hiển, kỹ sư hệ thống điện thuộc Công ty Thí nghiệm điện Miền Bắc khẳng định: Tiến độ lắp đặt tổ máy số 6 đã hoàn thành so với dự kiến, mặc dù tiến độ yêu cầu rất gấp rút, nhưng kỹ thuật luôn bảo đảm. Công ty Thí nghiệm điện Miền Bắc đã thực hiện các quy trình thử nghiệm, gồm: thử nghiệm vượt tốc, gắn mạch 3 pha, tăng giảm điện áp, thử nghiệm mồi từ. Sau 7 ngày chạy không tải, tổ máy số 6 đã đủ các điều kiện, thông số kỹ thuật để hòa lưới điện quốc gia vào ba mạch trạm 500 KV Pi Toong và trạm 500 KV Nho Quan. Khi hòa vào lưới điện, tổ máy 6 sẽ tăng dần công suất để kiểm tra các thông số kỹ thuật và phát ở công suất định mức đạt 400 MW.


Chiến lược năng lượng của đất nước


Ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu vui vẻ trả lời phỏng vấn các nhà báo đến chứng kiến sự kiện này, cho biết: Việc hoàn thành và phát điện cả 6 tổ máy với công suất 2.400 MW của Nhà máy thủy điện Sơn La hòa lưới điện quốc gia có ý nghĩ hết sức quan trọng. Nó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là một nhà máy thủy điện lớn nhất của đất nước, đồng thời là nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á. Hiện nay toàn bộ công tác xây dựng, lắp máy, một phần lớn của thiết bị cơ khí thủy công là do Việt Nam chế tạo và lắp đặt. Từ khâu thiết kế đến khâu thi công, vận hành hoàn toàn do đội ngũ công nhân, kỹ sư của Việt Nam thực hiện.


Phòng điều hành Nhà máy thủy điện Sơn La.


Về chiến lược năng lượng, chúng ta gần đi tới cái đích hoàn thành tất cả những nhà máy thủy điện. Đấy là một chiến lược lớn, các nhà máy này tận dụng năng lượng tái tạo. Riêng Nhà máy thủy điện Sơn La (với công suất 2.400 MW) đã đóng góp 15% sản lượng điện của tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Thủy điện Sơn La đã tạo ra một hồ chứa lớn nhất nước, góp phần vào việc cung cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, cũng như phục vụ đời sống của nhân dân. Từ nay, việc cung cấp nước cho nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ vào kỳ khô hạn (tháng 2, tháng 3) nhờ có hồ này không còn phải lo nữa. Theo đó đã hoàn thành một dự án di dân tái định cư lớn nhất từ trước tới nay, với việc di dời trên 20.000 hộ đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc một cách trật tự, an toàn, và không có những vấn đề lớn xảy ra thắc mắc của dân. Đồng thời đóng góp cho địa phương mỗi một năm hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế, thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc.
Trước ngày khánh thành công trình, Giám đốc Công ty thủy điện Sơn La Hoàng Trọng Nam, Phó Ban quản lý dự án nhà máy, cho biết: Đoàn giám sát Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa đến nhà máy kiểm tra thì cả 6 tổ máy đã lắp đặt đi vào vận hành đều bảo đảm an toàn tuyệt đối và đạt công suất thiết kế. Công ty đang triển khai hàng loạt công trình phụ trợ tôn vẻ đẹp cho nhà máy. Bên bờ trái đường vào nhà máy, ở vị trí trạm trộn bê tông RCC cũ, trên diện tích hơn 2 ha, đang được san gạt xây vườn hoa, cây cảnh. Bên trong, một bức phù điêu bằng bê tông cao 3,2 m, dài 130 m, thể hiện quá trình xây dựng nhà máy của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia lao động trên công trường. Bên bờ phải, trên đồi trồng cây lưu niệm, đặt một bức phù điêu cao 3,2 m, dài 40 m, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Sơn La - Tây Bắc tham gia đóng góp xây dựng nhà máy. Ngoài ra, để phục vụ cho khách tham quan du lịch, chủ đầu tư còn cho trải thảm áp phan và đổ bê tông đường chạy xung quanh nhà máy rộng 9 đến 14 m, tổng chiều dài lên đến 25 km.


Thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, thuộc bậc thang thứ hai trên sông Đà, với 6 tổ máy công suất 2.400 MW đã khánh thành ngày 23/12/2012. Sông Đà giờ đây trở thành chuỗi ngọc khổng lồ về điện năng. Dòng điện từ 6 tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La đã bừng sáng, hòa vào lưới điện quốc gia không chỉ là sự mong chờ của những người thợ thủy điện mà đây còn là niềm vui chung của nhân dân cả nước.



Bài và ảnh: Điêu Chính Tới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN