Bất ổn thương mại kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, Liu Zhenmin ngày 8/10 cảnh báo những căng thẳng thương mại trên toàn cầu có thể kìm hãm và làm giảm các hoạt động kinh tế ở nhiều nước.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Liu Zhenmin. Ảnh: chinadaily.com.cn

Phát biểu với Ủy ban thứ hai của Đại Hội đồng LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính, ông Liu cho biết những căng thẳng thương mại đang tiếp tục leo thang, và dù tác động trực tiếp của điều đó đối với các dòng chảy thương mại vẫn là hạn chế, nhưng tăng trưởng thương mại của thế giới đã giảm xuống khoảng 4% trong năm 2018 sau khi ghi nhận mức tăng hơn 5% trong năm 2017.

Quan chức này cảnh báo tình hình bất ổn kéo dài trong môi trường thương mại toàn cầu có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giá cả và hành vi đầu tư, từ đó kìm hãm các hoạt động kinh tế. Sự gia tăng các biện pháp trả đũa và bảo hộ đang gây trở ngại cho hệ thống thương mại đa phương, cũng như chủ nghĩa đa phương.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2018 mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo những rủi ro vốn được từng được nêu bật trong các báo cáo trước đó "đang ngày càng trở nên rõ rệt hay đã hiện thực hóa một phần" trong thế giới thực. Theo báo cáo, căng thẳng thương mại leo thang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới khi "những tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ đang dần biến thành hành động". Căng thẳng thương mại gia tăng xuất phát từ phía Mỹ đã kéo theo hàng loạt các biện pháp thuế "ăn miếng trả miếng" giữa các đối tác thương mại lớn, tác động không nhỏ tới Trung Quốc, các nền kinh tế châu Á và các quốc gia dễ bị tổn thương khác như Argentina, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. 
 
IMF cảnh báo tình trạng bất ổn do tranh chấp thương mại gây ra có thể khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt rót vốn, khiến hoạt động đầu tư sụt giảm. Nếu điều này vẫn tiếp diễn, căng thẳng thương mại sẽ leo thang tới mức kéo theo những rủi ro mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, thể chế tài chính này kêu gọi chính phủ các nước tập trung xây dựng các chính sách có thể chia sẻ những lợi ích tăng trưởng một cách rộng rãi hơn, cũng như giúp giải quyết tình trạng mất niềm tin ngày càng gia tăng đối với các thể chế. IMF cũng nhấn mạnh cần có "các giải pháp mang tính phối hợp" nhằm đảm bảo tăng trưởng thương mại tiếp tục là một yếu tố then chốt để duy trì và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.

Ông Liu Zhenmin cũng cảnh báo rằng những nguy cơ tài chính gia tăng ở nhiều nước đang phát triển, như áp lực tỷ giá, bất ổn tài chính và khả năng thoái vốn đột ngột. Ở nhiều nước, những căng thẳng địa chính trị tiềm ẩn có thể làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh tế. Những rủi ro từ khí hậu cũng phủ bóng lên triển vọng của những khu vực nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt là những đảo quốc nhỏ đang phát triển.

Trước tình hình đó, ông Liu khuyến cáo các nước cần nâng cao khả năng “đề kháng” cho nền kinh tế và xã hội, đồng thời cải thiện đời sống của những đối tượng người dân dễ bị tổn thương nhất để đề phòng bất cứ cú sốc kinh tế nào có thể xảy ra trong tương lai.

Khánh Ly (Theo THX)
Kinh tế Nga ít phụ thuộc vào giá dầu mỏ và biện pháp trừng phạt của phương Tây
Kinh tế Nga ít phụ thuộc vào giá dầu mỏ và biện pháp trừng phạt của phương Tây

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định nền kinh tế nước này đã trở nên ít phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài như giá dầu mỏ và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN