Trong khi môi trường nông thôn đang có nguy cơ bị ô nhiễm do thói quen sản xuất lạc hậu và nông dân quá lạm dụng các loại phân bón hóa học thì việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý các phế thải từ nông nghiệp được coi là hướng đi đúng, đảm bảo sự bền vững cho nền sản xuất nông nghiệp.
“Biến” rơm rạ thành phân bón hữu cơ
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, 70% dân số làm nông nghiệp và lúa là cây trồng chính, do vậy lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, ước khoảng gần 46 triệu tấn/năm. Lượng rơm rạ dư thừa được nông dân xử lý bằng biện pháp đốt ngay trên đồng ruộng đã làm ô nhiễm môi trường sống và hệ sinh thái đồng ruộng.
Một trong các thao tác kỹ thuật đang được người dân áp dụng để xử lí rơm rạ thành phân bón hữu cơ. |
Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm khu vực này, đề tài nghiên cứu “Chế phẩm vi sinh (Fito - Biomix RR) để xử lý rơm rạ và quy trình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ nhờ sử dụng chế phẩm này” đã được ứng dụng và Cục sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 956 cho tác giả Lê Văn Tri - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Hà Nội. Đề tài gồm nhiều dự án nghiên cứu, thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương khác nhau như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội... đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, được các chuyên gia nông nghiệp và bà con nông dân đánh giá cao.
Quy trình biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ được thực hiện thông qua một số bước: Rơm rạ tươi sau thu hoạch được chất đống với chiều rộng 2 m, cứ mỗi lớp 30 cm tưới một lượt dung dịch chế phẩm Fito - Biomix RR, bổ sung thêm NPK và phân chuồng nếu có. Sau đó, tiến hành ủ rơm rạ bằng cách sử dụng nilon, bạt, tải rách, bùn che đậy kín đảm bảo nhiệt độ ủ từ 45 - 50OC. Sau 10 - 15 ngày sẽ kiểm tra và đảo trộn, giúp rơm rạ vụn thêm do tác động cơ học, đảm bảo độ ẩm cũng như nhiệt độ của đống ủ luôn trong mức tối ưu, tạo điều kiện cho quá trình phân hủy rơm rạ diễn ra nhanh chóng và triệt để. Trong quá trình ủ phát hiện chỗ nào chưa đảm bảo độ ẩm thì tưới bổ sung thêm để nguyên liệu hoại hoàn toàn. Sau 25 đến 30 ngày, rơm rạ phân hủy tốt thành phân ủ hữu cơ.
Đoàn công tác của lãnh đạo Bộ KH&CN, UBND tỉnh Thái Bình và Công ty CP Công nghệ sinh học tham quan mô hình xử lý rơm rạ tại Trọng Quan, Đông Hưng, Thái Bình. |
Theo tác giả, rơm rạ sau 30 ngày ủ với chế phẩm Fito - Biomix RR đã phân hủy tốt được khoảng 80 - 85%, rơm rạ chuyển sang màu nâu, vi khuẩn, nấm mốc phát triển tốt. Hàm lượng cacbon trong rơm rạ giảm, hàm lượng đạm, lân hữu hiệu và mật độ các vi sinh vật đều tăng. Sau quá trình ủ, phân hữu cơ từ rơm rạ được sử dụng để bón ngay cho vụ kế tiếp hoặc bảo quản để sử dụng cho vụ sau.
“Chất giải độc” cho đồng ruộng
Theo nhận định của các nhà khoa học, sau mỗi vụ thu hoạch, 1 ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất đi hơn 5,5 triệu đồng, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400 kg phân hữu cơ.
TS. Lê Văn Tri, chủ nhiệm đề tài cho biết, khi ứng dụng loại phân hữu cơ này bón cho lúa và ngô, sẽ góp phần làm giảm 20 - 30% lượng phân hóa học giảm, năng suất cây trồng tăng từ 10 - 15%, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (khoảng 45 triệu tấn) được xử lý, sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK), khoảng 200 ngàn tấn đạm, 190 ngàn tấn lân và 460 ngàn tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, việc sử dụng các chế phẩm sinh học như Fito - Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân ủ hữu cơ bón cho cây trồng sẽ tận dụng sản phẩm dư thừa sau thu hoạch nhằm bổ sung phân hữu cơ tại chỗ, tiết kiệm chi phí và tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, tăng độ phì cho đất và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững, phân bón hữu cơ được coi như là một nhân tố đi đầu giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải tạo độ màu mỡ đất đai. Hơn nữa xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ gần như không còn. Vì vậy nhu cầu về phân bón hữu cơ từ rơm rạ là rất lớn.
Hiện, nhóm thực hiện đề tài đã đề xuất xây dựng kế hoạch dài hạn để tận dụng lượng rơm, rạ thừa sau thu hoạch để sản xuất phân bón hữu cơ trả lại cho đất những gì mà cây trồng đã lấy đi, cải tạo đất, tăng hàm lượng mùn trong đất, tăng độ tơi xốp của đất, ổn định độ pH. Đề tài này được thực hiện góp phần làm cho đất ngày càng tốt để canh tác lúa, giảm sâu bệnh, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh độc hại, tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Việc làm này cần được triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, kết hợp các hình thức nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tuyên truyền sâu rộng để thay đổi thói quen sử dụng phân bón hóa học trong canh tác của người dân, tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường và sinh thái đồng ruộng.
Ngũ Hiệp - Diệu Huyền