Nữ công nhân có sáng kiến làm lợi 300 triệu đồng/năm

Sáng kiến thay đổi quy cách đá mài trong sản xuất thấu kính quang học của chị Phan Thị Ngọc Tú, công nhân công ty TNHH Nghiên cứu R Việt Nam (tỉnh Hòa Bình) đã giành giải 3 tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hòa Bình năm 2013. Đây là sáng kiến có tính thực tế cao, được minh chứng bằng việc làm lợi cho công ty 300 triệu đồng/năm.

Chị Tú vào làm công nhân của công ty TNHH Nghiên cứu R Việt Nam từ năm 2004. Đây là công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, chuyên sản xuất thấu kính quang học cao cấp dùng cho máy ảnh kỹ thuật số và các dụng cụ quang học. Sau hơn 9 năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, chị Phan Thị Ngọc Tú tích cực tham gia phong trào “Nâng cao sáng tạo nhằm phục vụ sản xuất” do công đoàn công ty phát động.

Giới thiệu về sáng kiến của mình, chị Tú cho biết, đối với sản xuất thấu kính thì khâu quan trọng nhất là khâu định tâm thấu kính. Đây là phương pháp làm cho ánh sáng khi truyền qua thấu kính sau khi gia công sẽ hội tụ hoặc phân kỳ tại đúng đường thẳng đi qua tâm thấu kính với tiêu cự xác định. Để thực hiện phương pháp gia công này đòi hỏi phải có máy móc chuyên dụng.

Trong đó, đắt nhất và quan trọng nhất là đá mài định tâm thấu kính. Đá mài định tâm có trọng lượng 2,5 kg, được đúc nguyên khối từ hợp kim đặc biệt nhằm đảm bảo không biến dạng dưới tác động của môi trường, đồng thời bề mặt đá mài phải được phủ một lớp hỗn hợp của kim cương để có thể mài được thấu kính. Hiện nay đá mài phải nhập khẩu 100% vì trong nước vẫn chưa sản xuất được.

Trải qua quá trình làm việc nhiều năm, chị Phan Thị Ngọc Tú đã quan sát, tính toán trong thực tế gia công và phát hiện: không phải tất cả các chủng loại thấu kính đều có thể sử dụng hết hiệu năng của viên đá mài định tâm. Có những chủng loại thấu kính chỉ sử dụng hết 1/3 hoặc 2/3 hiệu năng của viên đá mài định tâm. Tuy nhiên, những viên đá mài chưa sử dụng hết hiệu năng đó không được sử dụng cho các mục đích gia công định tâm chủng loại thấu kính khác. Điều đó rất lãng phí.

Với suy nghĩ như vậy, chị Tú đã tiến hành đo đạc phần tiếp xúc giữa đá mài và thấu kính trong quá trình gia công định tâm cũng như tính toán phương pháp lắp đặt, điều chỉnh hệ thống cơ-thiết định thông số của hệ thống tự động. Kết quả thu được là phần hiệu năng còn dư của đá mài định tâm hoàn toàn có thể tái sử dụng tùy theo chủng loại thấu kính.

Sau khi sáng kiến của chị Tú được áp dụng vào sản xuất, chi phí mua đá mài của công ty TNHH Nghiên cứu R Việt Nam giảm một nửa và tăng số lượng gia công trên viên đá lên 1,5 lần. Nếu gia công sản xuất với hiệu suất 90% của nhà máy thì số đá mài tiết kiệm được 44,5 chiếc, làm lợi cho công ty bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Sáng kiến có thể nhân rộng với các chủng loại thấu kính khác miễn là chủng loại thấu kính đó được gia công trên đá mài định tâm đảm bảo thông số như tính toán.


Nhan Sinh
Thiếu nữ Tày vượt khó, học giỏi
Thiếu nữ Tày vượt khó, học giỏi

Trong “Lễ biểu dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đỗ thủ khoa, điểm cao đại học, cao đẳng năm 2013” có một khuôn mặt đã để lại ấn tượng sâu sắc. Đó là Hoàng Thị Ngọc, dân tộc Tày, sinh viên khoa Địa lý, trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN