Trước thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đã triển khai chính sách hỗ trợ khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo máy sấy lúa công nghệ cao. Hệ thống máy sấy tuần hoàn SC30 do ông Quách Ba, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hưng (trụ sở ở phường An Bình, thanh phố Rạch Giá - Kiên Giang) sáng chế đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giúp người nông dân bảo quản lúa tốt hơn.
Nông dân trồng lúa tại Kiên Giang đang phải đối diện với tình trạng biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng khoa học vào sản xuất là rất cần thiết. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Nếu trước đây, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân phải đem về để hong phơi cho lúa khô thì những năm gần đây nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều loại thiết bị sấy lúa đã ra đời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số thiết bị sấy lúa thủ công vẫn còn hạn chế, chất lượng sản phẩm sau khi sấy không đồng đều, kém an toàn khi bảo quản lâu dài. Đáng chú ý là một số hệ thống máy móc không kiểm soát được lượng khói bụi, gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống máy sấy tuần hoàn SC30 ra đời đã đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật, môi trường, đặc biệt là giữ nguyên được hạt lúa sau quá trình sấy.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, với hệ thống tháp sấy tuần hoàn SC30, sau khi lúa được đưa vào băng chuyền lúa được sấy từ từ theo hệ thống chuyển động quay đều. Tháp sấy lúa của loại máy này có nhiều ưu điểm so với nhiều loại tháp sấy khác. Đáng chú ý, tại Nhà máy chế biến gạo Sơn Thuận, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, hệ thống tháp tuần hoàn máy sấy lúa SC30 dù chỉ được đặt trên diện tích 50 m2, nhưng đã đạt công suất sấy lên đến 30 tấn lúa/mẻ; khả năng sấy lúa ướt từ ẩm độ trên 30% xuống ẩm độ đảm bảo cho xay xát .
Theo ông Quách Ba, người sáng chế ra máy sấy lúa SC30, với hệ thống máy sấy này, khi vận hành bộ phận gào tải sẽ tiếp nhận lúa từ ngoài vào, sau đó đưa đến thùng chứa nguyên liệu, từ đó chạy vào từng khoang sấy, lúc này lò đốt trấu cũng tạo ra dòng khí nóng lan tỏa vào các khoang sấy đi qua lớp hạt từ bên trong ra ngoài. Lúa trong tháp, sau khi được sấy sẽ theo đáy vào băng tải và đưa về gàu tải tạo thành dòng tuần hoàn khép kín.
Từ khi đưa sản phẩm lúa ướt cho đến khi ra thành phẩm sấy khô, trong suốt quy trình này lúa luôn được đảo sấy nên độ ẩm sẽ đồng đều, tỷ lệ rạn nứt lúa ở mức thấp hơn từ 2-5% so với các loại sấy tháp thông thường; thời gian sấy bình quân 6 giờ/mẻ cho lúa thường và 8 giờ/mẻ cho lúa thơm. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho nông dân và các doanh nghiệp trong việc nâng chất lượng sản phẩm lúa Việt Nam khi xuất khẩu.
Theo ông Quách Ba, Kiên Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa trọng điểm của cả nước với sản lượng trên 4,5 triệu tấn lúa/năm. Nếu loại máy sấy này được phổ biến rộng rãi sẽ đem lại nguồn lợi cho doanh nghiệp do nâng được chất lượng sản phẩm lúa. Trước đây thay vì phải sấy gạo để xuất khẩu, nay sấy được lúa sẽ giúp dự trữ lúa được lâu hơn, chất lượng sẽ cao hơn, bên cạnh đó còn giảm được hao hụt lúa trong quá trình dự trữ và giảm được công lao động.
Việc sử dụng máy sấy lúa có công suất lớn được thiết kế theo quy trình tháp tuần hoàn SC30 sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân chủ động trong thu hoạch lúa, kể cả thời điểm mưa nhiều, hạn chế thất thoát trong bảo quản, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo.