Đài Sputnik nhận định về khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam

Theo đài Sputnik, việc ra mắt các ứng dụng của riêng người Việt là tín hiệu tốt, cho thấy những nỗ lực của các đơn vị công nghệ trong nước, từ đó từng bước giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm quốc tế và nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố chip 5G tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Năm 2023, ChatGPT của Open AI đã làm rung chuyển thị trường công nghệ thế giới, mở ra cuộc đua chinh phục trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) giữa các quốc gia và các công ty công nghệ lớn. Các nguồn dữ liệu tiếng Anh thường tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn nhất trên thế giới, nhưng mô hình không thực sự hiểu và phản ánh tốt văn hóa và ngữ cảnh của người Việt Nam, đưa ra những thông tin chưa chính xác. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các đơn vị nghiên cứu công nghệ AI tại Việt Nam. Thực tế đang chứng minh rằng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này với hàng loạt các sản phẩm AI tạo sinh ra đời. Gần đây, một số đơn vị nghiên cứu công nghệ Gen AI liên tục cho ra mắt các mô hình như FPT Gen AI, PhởGPT hay Zalo AI.

Mới đây nhất, ngày 27/12 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, VinBigdata của Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt ứng dụng ViGPT, ứng dụng tương tự ChatGPT của riêng người Việt. Việc làm chủ công nghệ và tự phát triển ứng dụng đầu tiên dành cho người dùng cuối được xem là bước tiến giúp đơn vị này đưa công nghệ AI tạo sinh vào hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.

Theo Sputnik, dù Việt Nam đang ở những bước đầu trên hành trình chinh phục AI tạo sinh, nhưng việc ra mắt các ứng dụng riêng của người Việt là tín hiệu tốt, cho thấy những nỗ lực của các đơn vị công nghệ trong nước.

Sputnik dẫn lời Giáo sư Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, cho biết: “Việc ra mắt một 'ChatGPT phiên bản Việt' đánh dấu khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam. Cao hơn thế, qua việc làm chủ công nghệ, chúng ta có thể tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia, cùng hệ tri thức, tư tưởng mang bản sắc Việt Nam. Hướng đi này sẽ cho phép chúng ta không chỉ xóa bỏ sự phụ thuộc vào những sản phẩm quốc tế, mà còn có thể dần nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam và giảm thiểu dòng chảy dữ liệu ra nước ngoài”. Đặc biệt, xét về độ đảm bảo thông tin chính xác, ứng dụng do người Việt Nam làm chủ sẽ có tính ưu việt hơn, nhằm tránh đưa thông tin sai lệch về lịch sử, văn hóa, chính trị của Việt Nam. 

Sputnik nhận định rằng điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam khi mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất một nền tảng công nghệ Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiếng Việt. Kế hoạch nhấn mạnh việc nghiên cứu, phát triển, đưa vào ứng dụng LLM tiếng Việt là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và ý nghĩa. LLM tiếng Việt sử dụng tri thức, dữ liệu đào tạo đã được sàng lọc của Việt Nam, với chi phí thấp cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam sử dụng để phát triển các ứng dụng mới.

TTXVN/Báo Tin tức
Xu hướng tất yếu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài báo chí
Xu hướng tất yếu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài báo chí

Ngày 1/12, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức chương trình tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài” cho lãnh đạo các cơ quan báo chí. Tham dự chương trình có 45 học viên đến từ 35 cơ quan báo chí tại Lâm Đồng và các tỉnh, thành trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN