Tàu ngầm U-505 trong ký ức thủy thủ Đức - Kỳ cuối: Đoạn kết của tàu U-505

Ngày 4/10/1942, trong chuyến tuần tra thứ ba, con tàu U-505 một lần nữa hoạt động như một con sói đơn độc trong khu vực xung quanh Triniđát và Tôbagô. Quan hệ giữa thuyền trưởng và các thành viên trong thủy thủ đoàn trở nên tồi tệ hơn do tính hách dịch của thuyền trưởng Zschech thể hiện ngày càng rõ nét. Ngay cả sự thành công liên tiếp của tàu U-505 trước các tàu chở hàng của quân Đồng minh cũng không giúp cải thiện được tình hình.


 

Tàu U-505 cập cảng Mỹ sau khi bị bắt.

 

Sau nhiều tuần liên tục bị máy bay không quân Anh từ căn cứ ở Triniđát quấy nhiễu, trưa 10/11, các sỹ quan cảnh giới đã cảnh báo về tình trạng mây phủ u ám mà trước kia thuyền trưởng Loewe vẫn gọi là “thời tiết hoàn hảo cho các cuộc đột kích bằng máy bay” và đề nghị thuyền trưởng Zschech đề phòng, song Zschech đã phản ứng một cách giận giữ vì không muốn các thuyền viên so sánh ông với vị thuyền trưởng trước.


Quả nhiên sau đó đã xảy ra một cuộc đột kích bằng máy bay. Tàu U-505 đã bị một quả bom đánh trực tiếp, làm cho con tàu gần như bị xé làm đôi. Chiếc máy bay thực hiện cuộc tấn công cũng bị phá hủy bởi vụ nổ. Trước tình hình trên, thuyền trưởng Zschech đã ra lệnh từ bỏ con tàu, song tất cả thành viên thủy thủ đoàn quyết tâm cứu con tàu khỏi bị chìm.


 

Tàu U-505 trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp Chicago.

 

U-505 là một con tàu may mắn, mặc dù đó là một trong những tàu ngầm Đức bị hư hại nặng nhất trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ II. Con tàu đã phải trải qua sáu tháng sửa chữa mới có thể sẵn sàng cho các nhiệm vụ tiếp theo. Tuy nhiên, thiệt hại của tàu U-505 là rất nhỏ so với sự suy sụp tinh thần của Zschech. Trong thời gian tàu U-505 trở về căn cứ để sửa chữa, một số bạn bè thân thiết của Zschech đã thiệt mạng trong chiến tranh. Tin đồn xấu từ các sĩ quan về năng lực cũng như sự dũng cảm của ông càng khiến ông bị khủng hoảng trầm trọng. Trong chuyến tuần tra thứ sáu của tàu U-505, Zschech đã tự kết liễu đời mình đúng vào thời điểm con tàu đang bị quân Đồng minh tấn công dữ dội bằng bom chống tàu ngầm. Sau khi U-505 thoát khỏi cuộc tấn công, thủy thủ đoàn đã thủy táng thi thể của thuyền trưởng Zschech trên biển và đưa tàu quay trở lại căn cứ ở Lorient.


Thuyền trưởng thứ ba và là vị thuyền trưởng cuối cùng của tàu U-505 là Đại úy hải quân Harold Lange, một người nhiều tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong đội quân phòng bị, được chọn lọc kỹ càng từ cơ quan chủ quản của đội tàu lớp U.


U-505 tiếp tục lên đường, khởi hành từ Lorient ngày 20/12/1943. Khi đến vịnh Biscay, thủy thủ đoàn đã phát hiện một trận chiến giữa các tàu tuần dương Anh với một lực lượng nhỏ tàu khu trục cùng với tàu phóng ngư lôi của Đức. Tàu U-505 đã chiến đấu và giải cứu được 34 thuyền viên trên tàu phóng ngư lôi T-25 của Đức, bao gồm cả thuyền trưởng.


Ngày 16/3/1944, con tàu rời cảng Brest để tới Freetown, Tây Phi. Đây cũng là chuyến tuần tra cuối cùng của tàu U-505. Ngày 4/6/1944, các thủy thủ tàu U-505 phát hiện lỗi ở chân vịt tàu. Khi Lange đưa kính tiềm vọng lên để kiếm tra thì cảnh tượng ông nhìn thấy thật đáng sợ: U-505 đang ở giữa một nhóm đặc nhiệm chuyên săn tàu ngầm được hộ tống bởi tàu sân bay và đang bị ba tàu khu trục cùng rất nhiều máy bay tấn công. Ông cho tàu ngay lập tức lặn xuống, nhưng đã quá muộn bởi quân đội Mỹ tấn công dữ dội bằng bom chống tàu ngầm.


Goebeler nhớ lại: “Tôi đã đi tới phía sau kính tiềm vọng và leo lên trên boong tàu, giúp bốn người khác lấy được chiếc bè rộng. Các tàu khu trục và máy bay bắn liên tục vào quanh khu vực tàu của chúng tôi, làm cho chúng tôi phải cố gắng bơi càng nhanh càng tốt. Con tàu đã nhanh chóng lặn, nhưng phía đầu tàu và tháp chỉ huy vẫn còn trên mặt nước.


“Chúng tôi đã bị các tàu khu trục bắt và giao lại cho đội tàu sân bay. Họ nhốt chúng tôi ở ngay dưới bãi đáp máy bay. Nhiệt từ động cơ của tàu sân bay thật khủng khiếp, khiến chúng tôi bị giảm khoảng 10 - 15 kg do đổ quá nhiều mồ hôi. Sau đó, họ mới đưa chúng tôi đến Bécmuđa khoảng sáu tuần. Tiếp đó, chúng tôi được chuyển tới Louisiana và gửi đến một trại tù binh chiến tranh đặc biệt. Chúng tôi bị bắt làm việc ở trong các trang trại khai thác gỗ ở Louisiana cho đến năm 1945 thì bị chuyển giao cho quân đội Anh và đến tháng 12/1947 thì được thả” - Goebeler nhớ lại.


Tàu ngầm U-505 ngày nay được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học và Công nghiệp Chicago. Hàng năm có hơn nửa triệu du khách tới tham quan và ngắm nhìn dấu tích ở tháp chỉ huy của con tàu.


Còn Hans Goebeler hiện sống ở trung tâm Florida cùng với vợ và con gái. Cuộc sống của ông khá giản dị với một cửa hàng bán cà phê. Cửa hàng của ông được trang trí bằng hình ảnh của các thuyền trưởng của tàu U-505. Ông hồi tưởng lại những ngày tháng gắn bó với con tàu U-505 với đôi mắt ánh lên sự xúc động về một con tàu với nhiều biến cố.


Hoàng Yến (tổng hợp)

Tàu ngầm U-505 trong ký ức thủy thủ Đức - Kỳ 2: Rong ruổi cùng U-505
Tàu ngầm U-505 trong ký ức thủy thủ Đức - Kỳ 2: Rong ruổi cùng U-505

Chuyến tuần tra đầu tiên không chỉ thử thách lòng can đảm mà còn thử thách cả sức khỏe của Goebeler. Do nhỏ bé và trẻ tuổi hơn đồng nghiệp nên Goebeler đã phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để đạt được hiệu suất làm việc như các thành viên dày dạn kinh nghiệm trong thủy thủ đoàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN