Tại sao người Mỹ 'khư khư' súng đạn? - Kỳ 1

Theo nghiên cứu của các nhà tội phạm học, mỗi năm tại Mỹ có tới 2 triệu vụ dùng súng để tự vệ, gấp 5 lần số vụ dùng vũ khí nóng để phạm tội. Tuy nhiên, những thống kê mới trong năm 2014 cho thấy thực tế hoàn toàn khác.

LÝ LẼ CỦA NGƯỜI CẦM SÚNG

Sáng sớm ngày 2/11/2013, tại Dearborn Heights, bang Michigan, Theodore Wafer bị đánh thức bởi tiếng đập cửa ầm ầm. Không thể tìm thấy điện thoại di động để gọi cho cảnh sát, Wafer vội chạy tới tìm khẩu súng ngắn đã lên đạn trong tủ đồ, mở một lớp cửa và lờ mờ nhìn thấy một khuôn mặt ẩn sau cánh cửa bảo vệ bên ngoài. Nhắm vào kẻ mà anh cho là một tên trộm, Wafer siết cò. Phát súng định mệnh đã giết chết một cô gái 19 tuổi gõ cửa tìm kiếm sự giúp đỡ sau khi bị tai nạn xe hơi.

Nửa đêm 5/6/2014, hai người bạn rời khỏi một bữa tiệc. Do đã chếnh choáng, họ gõ nhầm cánh cửa một nhà hàng xóm khi trở về nhà. Cho rằng có kẻ trộm đột nhập, chủ nhà hoảng loạn gọi cảnh sát, đồng thời lấy súng và bắn ra một loạt đạn. Một trong những viên đạn đó đã bắn trúng ngực một trong hai người và thanh niên này đã bỏ mạng.

Giới thiệu súng cho khách hàng tại cửa hàng bán đồ thể thao ở bang Illinois.


Một đêm cuối tháng 9/2014, Eusebio Christian bị đánh thức bởi tiếng động. Cho rằng có kẻ đột nhập, anh lao tới bếp với khẩu súng đã sẵn sàng nhả đạn trên tay. Trong bóng tối, do không có kỹ năng sử dụng súng thành thạo nên Christian đã bắn loạn xạ và một trong những viên đạn đã tìm đến mặt của vợ anh.

Những vụ tai nạn súng đạn kể trên có một điểm chung. Đó là sản phẩm của một lối suy nghĩ đã ăn sâu vào tư duy của hàng triệu người sở hữu súng đạn tại Mỹ: Họ muốn sử dụng vũ khí để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các tên tội phạm. Lý lẽ này chính là động cơ lớn nhất để người Mỹ quyết tâm bảo vệ quyền sở hữu vũ khí của công dân từ nhiều thập kỷ nay. Lối suy nghĩ đôi khi là ảo tưởng này đã ảnh hưởng tới những quyết định liên quan tới sự an toàn của cá nhân và chính sách của Mỹ liên quan tới quyền sử dụng súng.

Lối tư duy này có cội rễ từ 20 năm trước. Đó là vào năm 1992, hai nhà tội phạm học tại Đại học Florida là Gary Kleck và Marc Getz đã tiến hành một cuộc khảo sát ngẫu nhiên đối với 5.000 người nhằm lên danh sách những vụ việc người Mỹ dùng súng để phòng vệ. Họ hỏi những người này liệu có dùng súng để tự vệ trong những năm gần đây không và lý do, hậu quả của hành động nổ súng. Kết quả là có 66 vụ nổ súng vì mục đích tự vệ và hai nhà nghiên cứu này rút ra một suy luận, theo đó ước tính rằng có khoảng 1 - 2,5 triệu người Mỹ sử dụng súng để tự vệ mỗi năm.

Một nạn nhân của vụ thảm sát bằng súng kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ tại Đại học Virginia năm 2007, khiến 32 người chết.


Kể từ đó, kết luận này đã trở thành “vũ khí” để những người ủng hộ văn hóa súng đạn, như Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA) và các học giả như John Lott hay các chính trị gia bảo thủ, bảo vệ quan điểm của mình. Họ diễn giải quan điểm của mình như sau: Súng được sử dụng để phòng vệ vì có “hơn 2 triệu lượt người dùng súng mỗi năm (vì mục đích này), gấp 5 lần so với 430.000 vụ dùng súng để phạm tội hàng năm”.

Hay Hiệp hội Những người sở hữu súng Mỹ có cách nói khác: “Vũ khí được sử dụng để bảo vệ sinh mạng những công dân lương thiện nhiều hơn 80 lần so với việc cướp đi sinh mạng của họ”. Cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum cũng thường xuyên bảo vệ lợi ích của việc sử dụng súng để tự vệ khi cho rằng: “Thực tế, hàng triệu sinh mạng tại Mỹ đã được cứu sống mỗi năm và hàng triệu tội ác đã được kịp thời phòng ngừa và ngăn chặn nhờ người dân có súng tại hiện trường”.

Những lý lẽ này có vẻ rất thuyết phục, nhưng thực ra lại không hoàn toàn đúng. Thực tế, những người dùng súng nhiều khi lại lâm vào các tình huống như Theodore Wafer hay Eusebio Christian khi vô tình bắn chết những người vô tội hoặc làm tổn thương chính những thành viên trong gia đình, hơn là trở thành những người hùng chống tội phạm.


Thái Nguyễn


Tại sao người Mỹ 'khư khư' súng đạn?-Kỳ cuối: Đâu là sự thực?
Tại sao người Mỹ 'khư khư' súng đạn?-Kỳ cuối: Đâu là sự thực?

Thực tế, ngoài lý do để tự vệ, súng đạn với người Mỹ còn thể hiện quyền dân chủ và còn là một nét “văn hóa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN