S-363: Chiếc tàu ngầm suýt gây chiến tranh Liên Xô - Thụy Điển

Người Thụy Điển quả thật đã không thể ngạc nhiên hơn thế khi một chiếc tàu ngầm Liên Xô nằm chềnh ềnh ở nơi chỉ cách căn cứ hải quân Karskrona khoảng 2 km. Đương nhiên, lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu được đưa ra ngay lập lức. Máy bay, tàu chiến và cả pháo binh đã được huy động để bảo vệ chủ quyền. Người ta đã thấy phảng phất ở đâu đó mùi thuốc súng, nhất là khi Mátxcơva khẩn cấp lên kế hoạch giải vây cho chiếc tàu ngầm của mình “lạc” vào vùng biển Thụy Điển.


Câu chuyện bắt đầu từ việc chiếc la bàn hồi chuyển trên chiếc tầu ngầm lớp Whisky, mang số hiệu S-363 của hạm đội Bantích (Liên Xô) hoạt động không chính xác. Nó đã khiến Đại úy Gustchin, chỉ huy chiếc S-363 ngỡ rằng tầu của mình vẫn đang ở ngoài khơi bờ biển Ba Lan. Nhưng trên thực tế thì ngày 27/10/1981, S-363 đã vào sâu trong lãnh hải của Thụy Điển. Thủy triều rút xuống quá nhanh làm cho thuyền trưởng Gustjin trở tay không kịp. Hệ lụy tất yếu là con cá kình bằng sắt, dài 76 m, nặng 1.350 tấn, mang theo 60 thủy thủ này đã trồi lên phơi mình trên mặt nước. Mặc dù đã tìm mọi cách, nhưng Gustchin và đồng đội vẫn đành phải bó tay chờ thủy triều lên.


Tầu V-03 của hải quân Thụy Điển tiến tới áp sát chiếc S-363.


Tuy nhiên, cái khó của S-363 là nó đã “lạc” vào vùng nước chỉ cách căn cứ hải quân Karskrona của Thụy Điển khoảng 2 km, nơi mà không một chiếc tàu nước ngoài nào được phép đi qua. Chưa đầy một giờ sau, vị khách không mời mà đến này đã bị phát hiện. Trong hải trình thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, tàu V-03 của Thụy Điển “chạm mặt” S-363. Nhận được tin có tầu ngầm lạ đột nhập trái phép vào lãnh hải và bị mắc cạn gần căn cứ Karskrona, phía Thụy Điển ngay lập tức ra lệnh phong tỏa vùng biển trên. Những trận địa pháo bờ biển được thiết lập khẩn cấp và đều hướng nòng về phía “kẻ đột nhập”. Trên không, máy bay chiến đấu, trực thăng chống tàu ngầm gầm rít. Trên mặt biển, tàu chiến của Thụy Điển cũng nhanh chóng giàn trận. Thậm chí, hải quân Thụy Điển còn được lệnh thả bom, đưa thủy lôi vào những khu vực biển gần nơi chiếc S-363 mắc cạn để cảnh cáo và xua đuổi những đồng đảng (nếu có) của S-363. Thiên la địa võng đã giăng, S-363 như một con cá nằm trong lưới. Mặc dù nó đã nhiều lần lợi dụng thủy triều lên để tháo chạy, nhưng đều không thành, cuối cùng đành phải treo cờ Liên Xô bộc lộ thân phận.


Tướng Lennart Ljung của quân đội Thụy Điển thuyết trình về sự kiện 27/10/1981.


Lúc này, ở Mátxcơva, tình hình cũng rất khẩn trương. Nhận được tin báo S-363 bị Thụy Điển bao vây, Cremli lập tức ra lệnh cho một biên đội tàu hỗn hợp, gồm 2 tàu khu trục lớp Kashin, 1 tàu khu trục lớp Kildin, 1 tàu hộ vệ lớp Riga, 1 tàu trang bị tên lửa lớp Nanuchka và 3 tàu kéo viễn dương, do đô đốc A. Kalinin chỉ huy lên đường tới vùng biển Thụy Điển. Tuy nhiên, trước sự cảnh giác cao độ, bố phòng chặt chẽ và sự uy hiếp của những nòng pháo, tầu thủy lôi và máy bay chiến đấu của Thụy Điển, lực lượng ứng cứu của Liên Xô đành phải ở ngoài biên giới Thụy Điển đứng nhìn. Bởi bất cứ một hành động quá mức lúc này đều có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh giữa Thụy Điển và Liên Xô. Lúc này Thủ tướng Thụy Điển đã ra lệnh cho quân đội “giữ sạch chủ quyền biên giới”, quan hệ giữa Xtốckhôm và Mátxcơva đang có chiều hướng xấu đi do nhiều chuyến “viếng thăm trái phép” lãnh hải Thụy Điển của tàu ngầm của Anh và Mỹ giả dạng tàu ngầm Xô viết.


Súng máy của quân đội Thụy Điển sẵn sàng nhả đạn vào chiếc S-363.


Trên bờ, các hoạt động ngoại giao con thoi liên tục diễn ra nhằm hóa giải nguy cơ. Cuối cùng, để có thể lấy tàu và nhận thủy thủ về, Liên Xô đã phải chấp nhận chính thức xin lỗi và bồi thường cho phía Thụy Điển 658.000 USD. Ngày 7/11/1981, chiếc S-363 được lai dắt ra khỏi vùng biển Thụy Điển, đi về nơi mà nó xuất phát, cảng Leiepaja. Bóng mây chiến tranh vần vũ suốt 10 ngày ở vùng biển phía đông Thụy Điển lúc này mới tan. Tuy nhiên, gần đây, qua tiết lộ của những sỹ quan và thủy thủ Liên Xô có mặt trên chiếc tàu ngầm S-363 khi đó, người ta mới biết thêm một bí mật kinh hoàng khác là S-363 mang theo một số đầu đạt hạt nhân, trong thời gian mắc cạn đã nhận được lệnh phóng thủy lôi mang đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu của Thụy Điển, nếu phía Thụy Điển bắt giữ, xâm nhập tàu.



Minh Thành (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN