Khủng bố bệnh than - nỗi ám ảnh kinh hoàng sau vụ 11/9

Khủng bố bệnh than - nỗi ám ảnh kinh hoàng sau vụ 11/9-Kỳ 4: Đầu mối từ những bức

Tất cả những mẫu bào tử thu thập được đều thuộc dạng bệnh than chủng Ames, chủng thường được sử dụng để nghiên cứu tại các trường đại học trên khắp thế giới, và là trọng tâm nghiên cứu của quân đội Mỹ.


TNS Patrick Leahy cầm bản sao của phong thư chứa bột trắng gửi cho ông.


Do một số lượng lớn các phòng nghiên cứu trên khắp thế giới sử dụng chủng này, nên việc truy tìm nguồn gốc của chủng Ames tấn công tại Mỹ là cực kỳ khó khăn. Mặc dù vậy, vẫn có một đầu mối quan trọng, giúp thu hẹp hướng truy tìm hung thủ. Nhiều phòng thí nghiệm trong số hàng trăm phòng tạo ra chủng Ames đã phát triển được dòng đột biến của chủng bệnh than này. Các dòng đột biến sẽ mang dấu ấn riêng, do vậy cho phép các nhà điều tra thu hẹp phạm vi tìm kiếm.

Trong khi đó, từ giữa tháng 10, FBI đã sử dụng Trung tâm quốc gia về Phân tích tội ác để phát triển một hồ sơ ngôn ngữ và hành vi của kẻ khủng bố bệnh than. Những phân tích về ngôn ngữ của Trung tâm này cho thấy, hầu như chắc chắn, cả ba lá thư đều do một người viết. Lá thư thứ nhất và thứ hai là hai bản sao giống hệt nhau. Lá thư thứ 3, chứa một thông điệp khác so với hai bức còn lại, và bào tử bệnh than được sử dụng trong phong thư này cũng có độc lực mạnh hơn, được tinh chế hơn và dễ dàng phát tán hơn. Mặc dù phần văn bản của các lá thư đều ngắn, nhưng chúng vẫn thể hiện những đặc trưng trong cách viết của tác giả.

Phong thư chứa bột trắng gửi ông Leahy được kiểm tra tại trung tâm phòng vệ vi sinh Fort Detrick.


Chẳng hạn như người viết dùng dấu gạch ngang (-) khi viết ngày tháng năm thay cho dấu gạch chéo (/); khi viết số 1, hắn dùng lối viết đầy đủ chứ không chỉ viết một đường sổ thẳng; người viết sử dụng từ “cannot” (không thể), trong khi đa số người Mỹ thường viết là “cannot”; hắn chỉ viết dạng chữ in hoa, nhưng chữ cái đầu tiên của mỗi từ trong mỗi câu đều được viết to hơn một chút. Ngoài ra, chữ cái đầu tiên của tất cả các danh từ riêng cũng được viết to hơn; tên và địa chỉ trên mỗi bì thư đều viết theo phương dốc từ trái sang phải; và các bì thư đều dùng loại tem dán trước, có giá 34 cent, thường chỉ được gửi trực tiếp từ bưu điện…

Kiểm tra nhằm phát hiện dấu hiệu bệnh than.


Từ những phân tích chữ viết và hành vi, các chuyên gia FBI nhận định, kẻ gieo rắc bệnh than nhiều khả năng là nam giới, có hiểu biết về khoa học, có thể từng làm việc tại một phòng thí nghiệm với các vật liệu nguy hiểm. Hơn nữa, FBI tin rằng, người này có điều kiện tiếp cận với bệnh than và các thiết bị thí nghiệm, đồng thời có “kiến thức và sự tinh thông để tinh chế vi khuẩn gây bệnh than”.

Mặc dù có nhiều giả thuyết về động cơ và tính cách của kẻ gieo rắc bệnh than, nhưng vẫn không có một đầu mối nào về danh tính của người này. Các nhà điều tra FBI đã làm việc cật lực hòng tìm ra một người phù hợp với hồ sơ mà họ phân tích, nhưng cuộc điều tra vẫn tiến triển chậm chạp với nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Trong lúc đó, thêm nhiều người khác trở thành nạn nhân của “bóng ma” bệnh than.

Chỉ một ngày sau khi ông Richmond nhập viện và ngay trước hai cái chết của Morris và Curseen, một nhân viên bưu điện khác tại trung tâm Brentwood cũng bị ốm và được xác định nhiễm bệnh than hô hấp. Cũng cùng khoảng thời gian các nhân viên trạm Brentwood được điều trị tại Oasington D.C, một ổ dịch khác bùng phát tại tòa soạn New York Post (NYP). Một nhân viên phòng thư bị các vết loét da giống như bệnh than da. Vài ngày sau, một nhân viên NYP khác là Mark Cunningham cũng có những triệu chứng tương tự.

Trong khi đó, một ổ dịch khác xuất hiện tại Sterling, bang Virginia. Lần này là từ một trung tâm thư tín của Bộ Ngoại giao, nơi nhân viên David Hose, 59 tuổi, nhiễm bệnh than hô hấp. Ông là trường hợp nhiễm bệnh than hô hấp thứ 9 trong năm 2001 và trường hợp thứ 5 tại Oasinhtơn D.C và vùng lân cận. Ban đầu, các nhà điều tra tin rằng, Hose lây bệnh từ lá thư gửi TNS Daschle, được cho là chuyển từ trạm Brentwood qua Sterling. Nhưng một lá thư mới phát hiện, đề gửi cho TNS Patrick Leahy của bang Vermont, mới đúng là nguồn lây nhiễm sang Hose. Đây là lá thư gieo rắc bệnh than thứ tư và cuối cùng được phát hiện. Lá thư gửi ông Leahy lẽ ra đã tới văn phòng của TNS này từ giữa tháng 10, nhưng do mã vùng bị đọc nhầm, nó được đưa tới trung tâm thư của Bộ Ngoại giao ở Sterling. Kết quả kiểm tra cho thấy, bức thư chứa gần một gram bào tử bệnh than, chưa được 2 năm tuổi. Đó là chủng Ames, được sử dụng trong ba bức thư còn lại và cũng được chuyển đi từ bưu điện Trenton ở New Jersey. Rõ ràng, cả 4 bức thư đều do một người gửi.

Cơ quan Dịch tễ học Mỹ nghi ngờ rằng, có nhiều hơn 4 lá thư như vậy được gửi khắp nước Mỹ, và trên thực tế, người ta cho rằng có tổng cộng 7 lá thư, làm lây nhiễm bệnh than trực tiếp và gián tiếp cho 20 nạn nhân. Tuy vậy, 3 bức kia không bao giờ được tìm thấy.

Bạch Đàn

Đón đọc kỳ tới: Cái kết chết chóc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN